Friday, December 14, 2012

Nghi thức thờ cúng trong dịp năm mới

Thưa các cô bác, anh chị,

Thấm thoắt một năm trôi qua thật là nhanh. Chúng ta lại sắp chia tay năm 2012 để đón chào năm mới 2013. Trong không khí rộn ràng của mùa Giáng Sinh, chúng ta lại có duyên lành đón Đại Đức Thích Tỉnh Thiền, phó trụ trì Thiền Viện Sùng Phúc, thành viên ban hoằng pháp Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam, tới chia sẻ về chủ đề “các nghi thức thờ cúng trong dịp năm mới theo quan điểm của Phật Giáo”.



Thờ cúng tổ tiên, thần linh, cầu an, dâng sao giải hạn nhân dịp năm mới vốn đã trở thành một tập quán lâu đời, đi sâu vào đời sống thường ngày của mỗi chúng ta, nhưng có phải ai cũng hiểu đúng và thấu đáo về ý nghĩa của những tập quán này. Thầy Thích Tỉnh Thiền sẽ giúp chúng ta giải đáp những thắc mắc liên quan tới vấn đề rất thực tiễn này.

1.        Thời gian : tối thứ bảy 15/12 từ 19h00 đến 21h30
2.        Địa điểm : Tư gia của chị Vân, tầng 3, tập thể 31 Trương Hán Siêu (phố Trương Hán Siêu nằm cắt ngang phố Nguyễn Du và Trần Quốc Toản, gần hồ Ha le). Mọi người có thể gửi xe ở tầng 1.
3.        Mục đích : Tìm hiểu về các nghi thức thờ cúng trong dịp năm mới
4.        Đối tượng tham gia : tất cả những ai quan tâm đều có thể tham dự     

Để buổi giao lưu Phật Pháp được trang nghiêm thanh tịnh, kính mong mọi người mặc quần áo kín đáo, đến đúng giờ, giữ trật tự và để điện thoại ở chế độ im lặng. Cô bác anh chị nào phát tâm cúng dường Thầy xin vui lòng liên lạc với ban tổ chức vào cuối buổi giảng.

Ban Tổ chức

Saturday, November 17, 2012

Bài 6: Tứ nhiếp pháp


TỨ NHIẾP PHÁP
Bài giảng Đại đức Thích Tâm Thuần
Trưởng Ban Hoằng pháp Thiền Viện Sùng Phúc 


Download file

Chia sẻ của thầy Quảng Sự với nhóm Hòa Đạo



Thực sự Thầy thấy các anh chị như vậy thầy rất vui, rất mừng. Cái vui cái mừng của Thầy, Thầy nhìn dưới góc độ khác, Thầy nhìn dưới cục diện nhân sinh hiện tại. Thực sự quý vị thấy trong đời sống hối hả như vậy, nếu Thầy không muốn dùng từ bấn loạn thì thực sự nó rất là phức tạp, mà anh chị đã có sự hướng tâm vào nội tâm của chính mình. Bằng sự nỗ lực của chính mình, bằng nhân duyên của chính mình, duy trì được sự san sẻ với nhau, duy trì sự học hỏi cùng nhau, duy trì sự tu tập lẫn nhau để san sẻ niềm vui nỗi buồn, rồi còn sắp tắng cho nhau, còn tạo nhân duyên cho nhau nữa. Tức là mình là con cái, mình tạo nhân duyên cho cha mẹ. Mình là cha mẹ, mình tạo nhân duyên cho con cái. Mình là chồng, tạo nhân duyên cho vợ. Mình là vợ,  tạo nhân duyên cho chồng. Cho nên tư tưởng Phật pháp đựơc nhân rộng ra. Tư tưởng Phật pháp không phải từ trên trời rơi xuống, cũng không phải từ dưới đất mọc lên, mà tư tưởng Phật pháp đó ẩn tàng trong mỗi tâm tư của mỗi chúng ta. Bởi lâu nay chúng ta do nghiệp duyên chưa khai mở được mà thôi. Ngày hôm nay ta có thắng duyên đó, huynh đệ với nhau, anh em với nhau, mỗi người mỗi nhà, mỗi người mỗi cửa, như khi có thắng duyên câu hội, nghĩa là thắng duyên hướng về một chỗ thì nhân duyên Phật pháp được khai mở. Thầy thực sự rất mừng và càng mừng hơn nữa nếu các quý vị tiếp tục duy trì mô hình thế này, nhân rộng ra và các anh chị với nhau cùng nhau tu tập, san sẻ kiến thức Phật pháp, cũng như năng lực tu trì, mối nghi ngờ và những điều khó khăn hoặc là vui buồn mà các anh chị có thể san sẻ với nhau, thì đó chính là tinh thần Phật pháp đang ở thế gian. Đó cũng chính là tinh thần Hòa Đạo.

Như thầy đã nói, Chữ Hòa Đạo ý nghĩa rất sâu sa. Hòa là động từ, Đạo là danh từ. Đạo thuộc về tâm mà Hòa thuộc về dụng cảnh. Hòa thuộc về vật chất, Đạo thuộc về tinh thần. Hòa thuộc về dụng tại thế gian, Đạo thuộc thể. Tất cả các anh chị đều giữ đạo lực trong mình, hòa cùng đời sống, đem đạo pháp đó hòa vào cùng đời sống thì đó là tinh thần của Hòa Đạo. Cho nên chỉ ngay ý nghĩa hai chữ Hòa Đạo thôi đã là một công án cho các anh chị tu tập, chứ chưa nói đến việc ngồi thiền hay chia sẻ gì hết. Ngày nào cũng niệm hai chữ Hòa Đạo thôi thì đã là tu tập rồi. Như vậy là thầy rất mừng.

Thầy biết rằng các anh chị mỗi người một công việc. Trong cuộc sống hiện tại, kinh tế đất nước rất khó khăn, mà anh chị vẫn giữ tâm lực như vậy cho chúng ta thấy rằng thực sự thế giới tinh thần đang bắt đầu có thể chuyển được thế giới vật chất. Mà một khi các anh chị đã dùng tinh thần của mình để chuyển thế giới vật chất có nghĩa là mình dùng tâm chuyển cảnh được. Hay nói cách khác, mình dùng trí tuệ của mình để chuyển được nghiệp lực của mình. Mà thực sự để duy trì được, các anh chị phải có một sự tu trì, phải có một thời khóa, phải có sự gia công dụng hạnh đúng và miên mật, cũng như mình phải trưởng dưỡng thân tâm thường xuyên, chứ không thể chỉ sống với ngôn từ hay sống với tinh thần chỉ mang tính chất vui chơi. Thực sự mình phải đem tâm tư gia công dụng hạnh, đem lại lợi lạc cho bản thân mình, cho gia đình mình và cho những người xung quanh mình. Đó chính là ý nghĩa của Hòa Đạo mà thầy mong rằng các anh chị từ hôm nay, một năm trước, bây giờ và mãi mãi về sau, vẫn giữ vững tinh thần đó. Đó được xem như là Phật pháp ở tại thế gian. Một lần nữa thầy rất mừng, mong các anh chị vui vẻ an lạc trong cuộc sống để tạo cho chính nghiệp lực của mình có thắng duyên để chuyển được nghiệp lực của người xung quanh, tức là của cộng đồng, để cho cuộc sống mỗi lúc mỗi tốt đẹp, càng ngày càng an lạc.

Nam mô A Di Đà Phật




Saturday, October 20, 2012

Bài 5: Nhân quả


NHÂN QUẢ
Bài giảng Đại đức Thích Tâm Thuần
Trưởng Ban Hoằng pháp Thiền Viện Sùng Phúc 


Download file

Saturday, September 8, 2012

Bài 4: Vô thường


VÔ THƯỜNG
Bài giảng Đại đức Thích Thiện Tài
Giảng sư Ban Hoằng pháp Thiền Viện Sùng Phúc


Hôm nay chúng ta học bài Vô thường. Vô thường là gì? Thường là thường hằng, Vô thường là không thường hằng. Vậy cái gì là không thường hằng? Chúng ta đưa ra 3 cái căn bản nhất: Thân mình Vô thường, hoàn cảnh Vô thường và Tâm Vô thường.

Thứ nhất là Thân Vô thường. Chúng ta thấy rằng cái thân ta hay đổi liên tục nhưng mà chúng ta không thấy. Nhà Phật chia ra 2 loại là nhất kỳ vô thường và sát na vô thường.

Nhất kỳ Vô thường là sự chuyển đôi theo thời gian. Ví dụ con người ta bắt đầu từ cái bào tử, sau đó 9 tháng 10 ngày ra đời. Sau đó từ trẻ sơ sinh đến trẻ mầm non, nhi đồng, thiếu nhi, thiếu niên, thanh niên, trung niên, lão niên, rồi tiếp đến là lên bàn thờ J. Với từng giai đoạn, con người mình thay hình đổi dạng rõ ràng. Lúc ở dạng phôi thai phải dùng kính hiển vi nhưng sau 9 tháng 10 ngày thì đã được vài cân rồi. Sau đó lên đến nhi đồng, thiếu nhi, thanh niên, trung niên, lão niên là những sự thay đổi rõ rệt. Đó là Nhất kỳ Vô thường. Đó là ở từng giai đoạn thời gian, ta thấy được sự chuyển biến từ hình dạng này sang hình dạng khác, từ hình hài sơ sinh cho đến khi ra đời, lớn lên và chuẩn bị về với tổ tiên.

Thứ hai là Sát na vô thường. Khoa học đã chứng minh rằng mỗi phút giây là hàng bao nhiêu tế bào mới trong cơ thể ta bị hủy diệt và bao nhiêu tế bào mới được sinh ra. Đó gọi là sát na Vô thường. Cơ thể ta thay đổi liên tục. Như vậy cái có thể nhìn được gọi là Nhất kỳ Vô thường. Cái khó nhìn, phải nhìn bằng con mắt khoa học gọi là Sát na Vô thường. Các tế bào trong cơ thể ta sinh diệt liên tục để nuôi dưỡng cơ thể. Cái đèn neon cũng vậy, là sự chớp tắt liên tục của các hạt điện tích. Hay khi ta đốt 1 que nhang, để yên ta thấy 1 đốm lửa nhưng ta quay thành hình tròn thật nhanh thì lúc đó nó biến thành 1 vòng lửa. Con mắt chung ta không thấy được sự chuyển động liên tục đó. Nó chỉ thấy được Nhất kỳ Vô thường là vòng tròn lửa hay chiếc đèn neon sáng đều ổn định. Do vậy Đức Phật nói rằng thở ra mà không hít vào là chết, cuộc đời con người chỉ qua hơi thở. Còn chúng ta suy nghĩ là còn lâu mới chết. Hiểu về Vô thường ta nhân được một bài học quý giá. Đó là cuộc đời con người ai cũng phải trải qua các giai đoạn sinh ra, lớn lên, có học vị, có bằng cấp, nghề nghiệp, có gia đình, có con, cháu, lên bàn thờ. Ai rồi cũng phải chết nhưng làm sao ta dám đối diện với nó và ta ra đi một cách tự tại. Cái chết của Socrat đúng theo tinh thần của đạo Phật. Ông bị giáo hội La Mã ghét bỏ, bắt uống thuốc độc tự tử, và ông chết dần chết mòn nhưng tinh thần ông trước lúc chết hoàn toàn minh mẫn, thoải mái, tự tại. Nhiều người khi nghe bị ung thư thì đã chết trước khi chết vì ung thư rồi nhưng Socrat thì tỉnh bơ đón nhận cái chết. Khi Socrat mất, Platon khóc mà nói rằng con khóc không phải khóc cho thầy vì cái chết của thầy quá tuyệt vời, con khóc là khóc cho con vì con mất đi một người thầy, sau này sẽ không có ai chỉ bảo cho con để khi chết đi cái chết của con được như thầy vì rồi con cũng sẽ chết. Một cái chết tự tại là cái chết mà khi ta sống ta cống hiến nhiều hơn cái ta nhận được. Cái chết mà ta không hối hận nhiều, không ăn năn nhiều, cái chết mà sau khi ta chết ta sẽ đến một nơi yên vui hơn, cái chết mà ta thấy đó chỉ là một sự giải thoát từ cái thân đau khổ này sang một cái thân trang nghiêm hơn, tốt đẹp hơn, thì đó là cái chết đẹp. Ai cũng sẽ chết nhưng khi nói đến cái chết ai cũng sợ sệt rồi nói phủi phui cái mồm bà/ông/anh/chị đi. Ai cũng không muốn đối diện với nó trong khi ai cũng sẽ phải trải qua nó. Chính vì vậy khi nó đến, ta cảm thấy chưa sẵn sàng, ta hụt hẫng, ta bơ vơ, ta hoảng sợ. Như vậy ta nên chuẩn bị cho cái chết như nào cho tốt. Như vậy qua bài học về cái thân Vô thường, Đức Phật dạy ta rằng chết chưa phải là hết, chết chỉ là bước qua một đời sống khác mà thôi. Tùy theo những việc mình làm ở hiện tại bấy nhiêu năm tích lũy thúc đẩy chúng ta tương ứng với việc mình làm để ta được đến cảnh giới nào trong tương lai. Newton nói 1 câu rất hay mà rất đúng với tinh thần của Phật giáo về Vô thường: Vạn vật không tự sinh ra cũng không tự mất đi mà chỉ chuyển từ dạng thức này sang dạng thức khác tùy theo điều kiện, nhiệt độ, khí hậu, thổ nhưỡng. Ví dụ nước, tính chất không đổi nhưng dạng của nó có thể thay đổi. Từ 0oC - 100oC, nước ở thể lỏng, dưới 0oC nước ở thể rắn, trên 100oC, nước ở thể khí. Nhưng tính của nó là ướt thì không đổi. Cũng vậy, cái thân 3 tuổi, 30 tuổi hay cụ già 80 tuổi có sự khác nhau về hình hài nhưng có cái không thay đổi đó là cái biết. Đứa 3 tuổi nhìn cái cốc biết và gọi là cái cốc, và cụ già sắp lên bàn thờ cũng biết cái cốc là cái cốc. Như vậy cái biết là không đổi, không trẻ, không già, không sinh không diệt chỉ có cái thân này là thay đổi, có sinh có diệt. Nếu ta sống với cái biết mà không sống với cái thân này thì ta có bao giờ diệt thân đâu, ta chỉ thay đổi chỗ ở tương ứng với nghiệp mà ta tạo tác, cụ thể là tương ứng với sở thích của ta. Ví dụ, 1 thằng nghiện rượu, kêu nó ngồi đây nghe, nó sẽ không ngồi, nó thích ngồi chỗ nào có rượu hơn. Nhưng người không nghiện rượu kêu họ uống rượu họ sẽ không uống. Vậy là hành động tạo nên thói quen, thói quen tạo nên tính cách, tính cách đưa đẩy đến số phận. Vậy số phận do ai quyết định, đó chính là ta quyết định hết. Chính bởi vậy khi biết cái thân này Vô thường, ta đừng vì nó mà mất tình cha con, mẹ con, vợ chồng, anh em… Miếng ăn cũng là vì cái thân, mặc cũng vì cái thân, chọn nơi quạt mát, giành nhau chăn đắp cũng vì cái thân. Mảnh đất bố mẹ chia cho con cái theo tam hòa còn mình muốn chia theo tứ hòa. Chia theo tam hòa nghĩa là đứa nào giàu thì cụ ko cho nữa, cụ chia cho đứa nghèo, chia theo tứ hòa là chia đều không phân biệt ai giàu ai nghèo. Rồi vì chuyện chia chác đó mà ra cãi nhau, anh em mất tình cảm, tất cả cũng chỉ vì cái thân. Nên nếu biết thân là Vô thường, chết không mang theo được thì ta nên nhẹ nhàng cái thân, lấy cái thân này phục vụ nhiều hơn là hưởng thụ. Dù ta có nhiều nhà lầu ta cũng chỉ ở có 1 nhà, không ai có thể cùng lúc ở nhiều nhà được, ta có thể tậu ngàn mét đất, khi chết đi ta chỉ 1m đất. Ta làm thì bạc tỷ nhưng cũng chỉ ăn 2-3 bát cơm 1 bữa. Vậy mà vì những cái ta không thể mang theo đó, ta tạo biết bao nhiêu là nghiệp bất thiện. Tiền không mua được tất cả, tiền không mua được tình cảm, chỉ mua được dịch vụ mà thôi, tiền không mua được tuổi thọ và nhiều thứ khác. Cái cây ngàn năm tuổi, cưa ra chỉ làm được vài cái bàn nhưng để có được cái cây như thế thì phải một ngàn năm sau nữa mới có. Vì vậy nếu ta biết xem nhẹ thân, ta biết thế nào là quan trọng, thế nào không quan trọng thì ta sẽ không vì cái thân này mà đưa ra những hành xử khiến người thân phải buồn khổ, phải đau lòng. Bất cứ hành động, lời nói nào xuất phát ra từ ta khiến những người khác đau lòng, tổn thương thì phúc của ta giảm đi một chút và ngược lại, chưa nói đến đời sau mà ngay trong cuộc đời hiện tại thôi. Trong một bài phú, bài kệ mà Đức Phật dạy rất hay rằng: người thua thì thêm hận, người thắng thì thêm thù, hơn thua hai đều xả thế là yên ổn cả. Người ta mua tivi là việc của người ta đâu liên quan đến mình đâu, vậy mà ghen ghét, tức tối. Rồi vì cái danh mà ta tạo biết bao nghiệp xấu, để rồi đời này, đời sau ta phải trả cái nghiệp đó. Trong khi cái danh, cái tiếng thơm đó chỉ giúp ta vui được trong chốc lát. Còn nếu ta ứng xử tốt với mọi người thì mọi người còn lo lắng cho cái thân này giúp ta nữa. Ví dụ cụ thể là Bác Hồ, chưa có một vị chủ tịch nước nào có một cuộc sống Vô cùng đơn giản như Bác Hồ, vậy mà chúng ta thường xài nhiều hơn cái mình tạo, nhất là thế hệ thanh niên bây giờ đua đòi theo những thứ không thiết thực. Cái điện thoại chỉ dùng để nghe, gọi, nhắn tin thì mắc gì phải mua cái điện thoại mấy chục triệu, đi xe đâu cần phải thật sang trọng như lexus, mec, audi, dùng máy tính nếu chỉ để soạn thảo văn bản, lướt web thì đâu cần phải máy tính thật cao cấp. Vậy mà ta vẫn phải chạy theo những cái đó. Chúng ta xài không hết nhũng công dụng của những vật dụng đó. Nếu biết thân này là Vô thường ta sẽ sống vừa đủ với nó thôi, không xài hoang, xài phí để tổn hại đến cái phúc của ta, mà cái phúc đó ta có được do đời trước bản thân ta cực khổ tạo ra. Cũng như 1 ngôi nhà, ta xây nó hết vài tháng nhưng đập nó đi chỉ vài ngày, nó giống như phúc của ta vậy. Phúc ta tạo đời trước nếu ta không khéo thi chỉ một đời là hết, có khi không đến 1 đời. Có người nói lúc thanh niên thì huy hoàng nhưng lúc trung niên, lão niên thì điêu tàn, đi ăn mày, nghĩa là phúc không đủ cho chúng ta hưởng 1 đời. Nếu ta có phúc, ta không hưởng cũng được nhưng nếu ta thiếu phúc ta không trả không được. Ví dụ mình làm công trình, mình có thể nhân tiền hay công quả hay không nhận cũng được nhưng tiền công trả cho công nhân là cho ta thì không trả không được. Vì vậy ta nên tiết kiệm từng ít một phúc của ta, đừng có hưởng tận mà sinh ra bần cùng.

Khi giúp đỡ mọi người thì phúc ta sẽ tăng, mà khi phúc tăng thì lộc tăng, thọ tăng. Nó như phản ứng dây chuyền, hễ người nào có phúc thì lộc tăng và thọ cũng tăng. Tại sao lại như vậy? Cái phúc có được là do giúp đỡ mọi người, mà khi đã giúp đỡ mọi người rồi thì họ sẽ quý mình và khi mình sa cơ lỡ vận họ sẽ giúp mình, đó gọi là lộc. Mà trong cuộc đời mình, khi thắng duyên cũng tốt đẹp, khi nghịch cảnh cũng được mọi người giúp đỡ thì còn phải lao tâm khổ tứ gì nữa. Lúc đó thân tâm ta an ổn, mà khi thân tâm an ổn thì đâu phải lo nghĩ, buồn phiền, ốm đau. Như vậy đương nhiên sẽ sống lâu.

Thứ hai là hoàn cảnh Vô thường. Đó là phàm cái gì không tự sinh mà do duyên sinh thì đều bị luật Vô thường chi phối. Cái nhà là do các vật liệu cát, đá, xi măng, sắt thép, gạch ngói tạo nên vì thế theo thời gian, căn nhà chắc lắm thì cũng chỉ tồn tại được một hai trăm năm là xuống cấp, hư hỏng. Và cái thân này không tự sinh mà do cha mẹ sinh nên nó vẫn tuân theo quy luật Vô thường, theo sinh, lão, bệnh, tử. Các sự vật hiện tượng Vô tình như cây, cỏ, núi non, sông suối… cũng chịu quy luật thành trụ hoại không chi phối. Biết được như vậy nên khi đủ duyên có nó trong tay, thì ta trân trọng nhưng khi mất nó ta cũng không nuối tiếc vì biết nó là Vô thường. Sắm cái xe là muốn chồng được khỏe, gia đình được hạnh phúc nhưng khi chồng làm mất cái xe thì hai vợ chồng như là muốn ly dị vậy thật là ngu. Vì để chồng khỏe hơn, nhẹ nhàng hơn trong công việc thì sắm cái xe vậy khi cái xe thì gia đình vẫn phải bình thường như là chưa có xe. Thế mà vì cái xe mà vợ chồng cãi nhau, nguy cơ đổ vỡ thì thật không đáng vì có cãi nhau, có đổ vỡ thì cái xe đâu có quay lại được đâu. Gia đình sắm cái ti vi để thêm vui, thằng con lỡ tay làm vỡ thì hành hạ nó, đánh, mắng nó trong khi nếu không có cái ti vi thi gia đình phải như lúc chưa có. Đánh mắng con cái, gia đình lục đục thì cái ti vi đâu có lành lại đâu. Đó là do con người ta không hiểu rằng các pháp đều là Vô thường, có nó ta trân trọng mà mất nó ta không nên nuối tiếc bởi nuối tiếc thì nó đâu có quay lại đâu. Mất cửa nhẽ ra chỉ đau 1 đằng này lại đau thêm nhiều nữa vì mất cả cái tâm thiện, cái tâm điềm tĩnh. Cái tâm giúp gia đình hạnh phúc mà mất thì mới là mất hết tất cả. Mất đi cái kia, cái thứ vật chất, ta có thể kiếm lại được vậy mà vì cái kia, ta sẵn sàng đánh mất đi hạnh phúc gia đình để rồi cuối cùng mất hết tất cả. Đó là do không biết các pháp đều là Vô thường. Vậy liệu có đáng không? Bởi vậy cuộc đời này không có gì là bền chắc, khi còn duyên thì ta trân trọng mà khi hết duyên ta không nên tiếc nuối vì lúc hết duyên, mất đi thì đó không phải do lỗi của ta mà là do luật Vô thường chi phối. Người hiểu điều đó mới là người trí. Cái ti vi không dính dáng đến mình vậy mà khi nó hỏng ruột mình đứt từng khúc thì thật là kỳ cục, khi ruột mình đứt từng khúc, cái ti vi đâu có lành lại đâu. Người trí là biết rằng cái tivi đó đã hỏng, không dùng được nữa thì ta nên kiếm thêm tiền để kiếm cái tivi khác thay vì đổ lỗi, hành hạ người thân của mình, rồi gia đình đổ vỡ. Khi tinh thần thoải mái, gia đình hạnh phúc, ta sẽ nhanh chóng mua lại cái tivi khác. Tuy vậy ta lại không chịu ứng dụng tinh thần đó mà lại hay tiếc của đã mất. Và ai cũng bị rơi vào tình trạng đó, bởi vậy mới gọi là chúng sinh.

Điều thứ 3 là tâm Vô thường. Tâm Vô thường là tâm ta khi vui, khi buồn, khi hờn khi giận. Do đâu mà có tâm Vô thường. Chính là do ta không thấu rõ được cái thân Vô thường và hoàn cảnh Vô thường. Ta muốn hai cái này thường mà nó không chịu thường nên tâm ta mới Vô thường. Ta muốn cái tivi mà chưa có ta cung buồn, khổ. Ta muốn có tiền mà không có tiền cũng khổ, khổ vì kiếm tiền, khi có tiền rồi cũng khổ, khổ vì giữ tiền, khi mất tiền cũng khổ, khổ vì mất tiền. Khi chưa có chồng khổ vì sợ ế, khi có chồng khổ vì sợ mất chồng, khi bị chồng bỏ cũng khổ. KHi chưa có con khổ vì sợ không có con, khi có con cũng khổ vì nuôi dạy con, sau này con lớn, con hư cũng khổ, nó bỏ mình đi cũng khổ. Cuộc đời đâu có gì vui đâu, 3 thời đều khổ. Chưa có cũng khổ, đang có cũng khổ, mất nó cũng khổ, bởi ta không hiểu quy luật đã cái gì không tự sinh thì đều bị luật Vô thường chi phối. Trong khi đó ta quên quy luật đó, ta muốn nó thường, như vậy là trái với quy luật tự nhiên, trái với quy luật Vô thường. Tâm ta Vô thường là do ta không thấu triệt được hoàn cảnh là Vô thường, thân này là Vô thường cho nên

“ Có chi là khổ, có chi vui
Vui trong tham dục, vui rồi khổ
Khổ để tu hành, khổ cái không vui
Nếu biết có vui là có khổ
Thà rằng đừng khổ cũng đừng vui”

Tâm ta Vô thường bởi lẽ ta luôn sống với cái tâm sinh diệt mà không sống với cái tâm thường hằng. Chúng ta có hai cái tâm là tâm sinh diệt và tâm thường hằng. Khi ngón tay ta chỉ cái đèn thì cái đèn là vật bị chỉ, ngón tay là vật năng chỉ. Ngón tay là vật chủ, cái đèn là khách. Cái gì bị chỉ thì nó ở bên ngoài, cái không chỉ được thì là vật chủ. Cái thân này cũng vậy, vẫn chỉ được, vậy nó đâu phải mình vậy mà ta chấp nó là mình. Khi mình trúng số độc đắc, mình rất vui, lúc đó mình biết mình vui. Vậy cái vui là cái bị biết và cái làm mình vui là cái bên ngoài: trúng số. Mà cái bên ngoài là sinh diệt, cái tâm vui theo cái sinh diệt thì nó cũng là sinh diệt. Cái biết của mình thì không vui. Vậy cái tâm trong con người có 2 cái: tâm sinh diệt và tâm thường hằng. Cái tâm thường hằng thì không có vui, buồn, hờn, giận, thương, ghét … Cái tâm đó mới là cái chân tâm của mình thì mình lại không sống với nó mà lại sống với cái vui, buồn, thương, ghét… Khi ta sống với cái biết của mình thì dù bom có nổ bên cạnh thì ta vẫn thấy bình thường, ngay cả khi sắp lên bàn thờ ta cũng vẫn tự tại vì cái thân ta lên bàn thờ chứ cái biết nó lên bàn thờ đâu mà phải run rẩy, sợ hãi… Trong Kinh Kim cang, Phật đã dạy “Bất thân trụ, sát sinh tâm, bất thân trụ, thân hương vị xúc pháp sinh tâm ưng Vô sở trụ nhi sinh kỳ tâm”. Tâm thật của mình thì nó tự tại, không kẹt đâu cả, còn cái tâm sinh diệt của mình mới kẹt chỗ này, chỗ kia. Có một vị thiền sư đang ngồi thiền ở 1 chiếu đá bên ngoài và ngài nhập định luôn. Trong thời gian nhập định thì thân ngừng hoạt động, hơi thở ngừng, như người chết vì các cơ năng không hoạt động nữa. Các đệ tử của ngài tưởng ngài tịch rồi nên hỏa thiêu ngài. Khi ngài xuất định, ngài không thấy thân đâu nữa nên ngài hỏi thân ta đâu. Đêm về, hồn ngài hiện về và hỏi, khiến các đệ tử sợ hãi bỏ đi gần hết. Chỉ còn một số người gan lắm mới ở lại. Có một vị thiền sư hiểu được sự tình, đã bảo các đệ tử đặt một đống lửa ngay tại nơi vị hỏa thiêu vị thiền sư đó và một xô nước cạnh đó. Sau đó cụ nhắc các đệ tử gọi cụ ra khi nào hồn của vị sư kia hiện về. Khi hồn vị thiền sư hiện về, cụ ra và nói ông vào đống lửa xem có thân ông trong đó không, vị thiền sư lao vào và bảo không có, cụ bảo ông lao vào xô nước xem và kết của vẫn như vậy. Cụ bảo ông chui xuống đất, bay lên không xem có không và cũng không có. Lúc đó cụ mới nói cái mà chui vào lửa, vào nước, chui xuống đất, lên không đều tự tại mà ông không sống với nó mà sao lại cứ tiếc nuối cái thân thúi này. Vậy thì thật là Vô minh. Nghe vậy vị thiền sư bừng tỉnh, không chấp cái thân của mình nữa và siêu thoát.

Cái biết nó là cái sinh diệt, nó duyên theo cảnh. Cảnh vui thì nó vui, cảnh buồn thì nó buồn. Còn cái biết thì luôn tự tại cho dù cảnh có vui hay buồn. Vậy mà ta thường không sống với cái nhận diện cái vui buồn đó mà lại sống với cái vui buồn của ngoại cảnh. Như vậy khác gì cưỡi trâu mà đi tìm trâu, là quên mình theo vật. Nếu ta sống với cái biết đó thì không ai là khổ hết. Bởi vậy thánh hơn phàm ở chỗ thánh bất động trước các pháp còn ta thì dao động trước các pháp vì các ngài sống với cái biết mà không sống với cái bị biết. Chính vì ta không nhận thức được điều này nên ta buồn, vui, lo, khổ, sợ suốt cả cuộc đời.

Vô thường cũng có mặt tích cực và tiêu cực. Nếu như không có Vô thường thì thế giới này là thế giới chết. Cái thai nhi nếu không Vô thường thì sẽ không bao giờ lớn, như vậy sẽ không bao giờ có con người. Nhưng chúng ta thì lại thường thích cái tích cực của Vô thường mà ghét cái tiêu cực của Vô thường. Cái tích cực của Vô thường là sinh, trụ. Nó làm con người ta lớn lên, thông minh hơn, giỏi giang hơn. Trong khi cái tiêu cực là lão, bệnh, tử thì ta lại cố gắng lảng tránh, không muốn chấp nhận. Lúc con còn nhỏ thì thúc nó ăn nhanh chóng lớn, khỏe mạnh… nhưng nó đâu có mau hơn, nó cứ theo quy luật của nó như thế. Nếu có mau thì mau về tâm lý chứ thời gian thì đâu có mau. Trong khi đến khi chững lại thì ta mong nó cứ thế mãi, không già thêm đi nữa. Ngồi chơi với người yêu thì thấy sao thời gian trôi nhanh thế, 2 tiếng cứ như 5 phút nhưng thực ra nó là 2 tiếng, còn đợi người yêu 5 phút thì tưởng như 1 giờ J.

Người trí là biết luật Vô thường, hiểu rằng ai cũng sinh già bệnh chết. Vậy ta sinh thế nào, già làm sao, chết như thế nào mới là quan trọng. Khi sinh sống, ta sống sao cho không để người khác chịu đau khổ, già thì già gừng già quế thì quý, già xơ mướp vứt. Và chết thế nào? Bác Hồ của chúng ta từ lúc sinh ra, đi học đã biểu hiện ra những tính cách, lối sống khác người, sau đó nó lớn dần theo tuổi tác làm cho nhân cách của Người cũng lớn dần theo tuổi tác, nên cái sinh của ngài tuyệt vời. Cái già của ngài cũng tuyệt vời. Khi ngài đi đâu, nam, phụ, lão, ấu, một lần gặp được Bác là mừng vui Vô cùng. Con mình thì mình thương, con thiên hạ mình đá đít còn cụ thì đâu có làm thế. Cái già của cụ hình thành từ cái sinh của cụ. Cái gì cũng có một chuỗi thời gian hình thành. Đằng này thời trẻ ta không ra gì, gia giáo không nghiêm, đến khi dạy con nó không nghe, nó chỉ hỏi là hồi đó bố/mẹ có tốt với ông bà không là ta hết nói luôn. Về già ta chỉ sống với con cái bằng cái đức tu hành và cái khẩu giáo, mà cái đó có trọng lượng là do cái thân giáo của ta từ hồi trẻ hết sức chỉn chu. Tức là khi còn trẻ ta sống thế nào để không làm ai phải buồn phiền, đau khổ vì ta thì đến cuối đời ta được nể trọng, có đức độ, con cháu nó nghe. Đó là già gừng, già quế, trên mọi người yêu thương, dưới mọi người đều trân trọng. Sau đó đến cái chết, chết sao cho không ân hận. Suốt bao năm ta sống, ta sống với cái biết, đời người dù 20 năm, 30 năm, 50 năm… không quan trọng. Nó giống như cuốn sách, không quan trọng nó dày hay mỏng, quan trọng là nó hay hay không. Có tác phẩm 20 trang hay để đời, có cuốn dày nghìn trang mà không ai sờ đến. Cũng vậy, đời người dù ngắn ngủi nhưng để lại ấn tượng cho đời, vẫn được mọi người biết ơn, như Võ Thị Sáu chết trẻ nhưng tiếng thơm để đời, trong khi nhiều người bảy tám mươi tuổi, chết đi, không ai hay. Đời người sống bao nhiêu năm không quan trọng mà quan trọng là trong mấy mươi năm đó ta đã làm được gì cho bản thân, cho gia đình và cho xã hội. Sinh thế nào thì tử thế ấy. Trước khi nhắm mắt xuôi tay ta ngẫm lại cuộc đời mình, cách hành xử của ta đối với người thân, bạn bè, xã hội không có gì ăn năn thì cái chết đó là tuyệt vời, đẹp, chủ động và ta biết cái chết đó chỉ là một sự giải thoát, ta sẽ đi đến một tương lai tốt đẹp vì nhân cách của ta hiện tại đã hình thành một con người tương lai thế nào rồi. Đức Phật dạy rằng muốn biết quả báo vị lai hãy nhìn vào cái nhân hiện tại. Vì thế nếu chết không ân hận điều gì mà người khác phải khóc tiếc nuối vì ta thì cái chết đó là đẹp, chủ động. Ta thấy được Vô thường không phải để tránh né Vô thường, sợ Vô thường mà là làm chủ Vô thường, ta sẽ không bị Vô thường chi phối mà tùy thuận theo Vô thường.

Đó là tất cả những gì của bài học Vô thường ngày hôm nay. Hy vọng rằng quý vị ứng dụng được tinh thần Vô thường để cuộc sống của mình được an lạc ở hiện tại, an lạc ở vị lai và làm chủ Vô thường.

Nam mô A di đà Phật.

 Download file
File .docx 
File .MP3

Saturday, July 14, 2012

Bài 3: Sám hối


SÁM HỐI
Bài giảng Đại đức Thích Thiện Tài
Giảng sư Ban Hoằng pháp Thiền Viện Sùng Phúc


Kính thưa các quí vị, hôm nay chúng ta học bài Sám hối. Chúng ta học bài hôm nay vì như chúng ta đã biết là mỗi con người chúng ta, ai ai cũng chưa là chủ được ngũ dục và ít nhiều nếu người không bị cái này làm chủ thì cũng sẽ bị cái khác làm chủ. Ví dụ có nhiều người không bị sức mạnh của đồng tiền chinh phục nhưng lại bị sắc đẹp chinh phục, có người không bị sắc đẹp chinh phục nhưng lại bị danh vọng chinh phục, có người không bị danh vọng chinh phục nhưng lại bị cái ăn, cái mặc chinh phục. Vì vậy đa phần chúng ta không bị cái này thì bị cái kia trong ngũ dục chinh phục. Và khi đó lời ăn tiếng nói, cách cư xử của chúng ta thế nào cũng sẽ làm cho người khác bị tổn thương, phải buồn, khổ. Những cái thuộc ngũ dục là tiền tài, sắc đẹp, danh vọng, ăn và ngủ. Có người đang ngủ mà bị đánh thức sẵn sàng có hành động, lời nói làm tổn thương người đánh thức họ cho dù người đó là bề trên, cha mẹ, ông bà của họ. Và chúng ta cũng thấy thông qua bàn ăn, người ta quý nhau, mời nhau ăn, nhưng cũng thông qua bàn ăn những thói hư tật xấu cũng lộ ra. Thế cho nên nếu chúng ta không phải là Thánh, thế nào cũng bị ngũ dục ràng buộc. Mà đã bị ràng buộc như vậy thế nào chúng ta cũng phạm phải những lỗi lầm, khiến cho những người xung quanh bị tổn thương, đau khổ, phật lòng. Kể cả những người cận kề cái chết cũng vậy, có những người sắp cận kề cái chết vẫn suy nghĩ nhiều về công trình tích góp cả đời của mình. Nhiều cụ phải chờ đầy đủ con cháu có mặt mới yên lòng nhắm mắt xuôi tay. Vì vậy, bất kể ai, hễ còn bị ngũ dục làm chủ thì vẫn sẽ còn phạm những sai lầm. Trong cuộc sống đời thường khi đối nhân xử thế cũng như đối với bản thân mình, ai ai cũng phải học bài học hôm nay là “Sám hối”.

Nếu chúng ta phạm lỗi lầm mà không chịu sửa chữa lỗi lầm thì chúng ta không trở thành người hoàn lương, phục thiện. Vậy chữ Sám Hối là gì? Sám là Sám kỳ tiền khiên, Hối là Hối kỳ hậu hóa. Nói cho dễ hiểu thì Sám là chừa bỏ lỗi cũ, Hối là ngăn ngừa lỗi mới. Vậy nghĩa chữ Sám là gì? Để hiểu được chữ Sám thì đơn giản nhưng để ứng dụng thì lại không hề đơn giản chút nào. Có nhiều người đã từng xin lỗi với bố, mẹ, vợ nhưng sau đó vẫn phạm phải những lỗi lầm đã từng xin lỗi đó. Như vậy Sám được chia ra làm hai. Thứ nhất người phạm lỗi lầm phải ý thức được lỗi mà họ gây ra chứ nếu chỉ để đối tượng kia được vui, tha thứ lỗi lầm cho họ, thì tái phạm là điều chắc chắn. Đến Phật, Thánh cũng không sửa được lỗi của ta, chỉ có ta tự ý thức được lỗi lầm của ta thì ta mới sửa được. Nếu chúng ta chỉ vì để bố mẹ được vui hay gạt bố mẹ để đạt được những mong muốn ích kỷ thì đó là cuộc sống đời thường hay xảy ra. Do đó chúng ta trở thành phàm phu vì chúng ta sám thì có sám nhưng chừa thì không chừa, có nghĩa là lỗi lúc đó thì ta xin nhưng sau đó ta lại vẫn vi phạm. Ta không biết đó là sai lầm mà ta chỉ biết chiều lòng đối tượng đó nên ta xin lỗi cho qua giống như một đứa trẻ. Đứa trẻ tự biết nói lời xin lỗi khi bị bố mẹ đánh vì chơi game, vì lười học… nhưng sau khi hết đau nó lại vẫn làm những điều đó, đơn giản vì nó không nhận thức được đó là sai lầm, và người lớn cũng vậy. Chúng ta thấy những người nghiện thuốc lá, heroin, rượu không bỏ được là vì sao. Đó là vì họ không ý thức được đó là sai lầm, để lại hậu quả rất lớn cho bản thân, gia đình, xã hội. Cho nên những người nghiện thuốc nói rằng hễ còn người bán thuốc thì họ còn mua thuốc hút, khi nào dẹp hết người bán thuốc thì họ mới thôi hút. Điều này là phi logic vì cung bao giờ cũng đi sau cầu, có cầu mới có cung. Điều này ai ai cũng hiểu nhưng để ứng dụng thì không đơn giản vì ai cũng cho mình là đúng. Mà khi đã không thấy mình sai thì sẽ làm tiếp, mà tiếp tục làm vậy chúng ta tạo nên một cái nhân rất xấu. Với cái nhân tạo tác thì “Hữu vi chuyển trước, Vô vi chuyển sau”. Ví dụ những hành động của ta làm ảnh hưởng đến người khác khiến họ trách mắng thậm chí thù ghét ta, họ sẽ oán, sẽ trách như là “tại sao trời không đánh thánh không vật nó đi”... Cái đó sẽ làm cho phúc của ta bị giảm đi. Người mắng ta là Hữu vi chuyển trước, do hành vi của ta, Vô vi chuyển sau là phúc của ta bị giảm đi. Cho nên tại sao Bồ tát sợ nhân, chúng sinh sợ quả. Bồ tát sợ cái nhân tạo tán, còn với chúng ta thì tạo nhân vô tư, đến khi quả báo đến thì than trời trách đất mà trời đất cũng không cứu cho vì nó đã thành quả báo. Chúng ta lấy một minh chứng cụ thể hơn đó là chiếc đèn dầu, khi chúng ta ngủ chúng ta thấy bình đầy dầu, chúng ta ngồi canh thì không thấy nó hết nhưng đến sang ngủ dậy thì nó hết. Cuộc sống cũng vậy, chúng ta thấy vẫn còn quyền, còn tiền, chúng ta thấy những lỗi lầm phạm phải nhỏ, chúng ta bỏ qua, nhưng những lỗi nhỏ gộp nhiều sẽ thành lỗi lớn. Và cứ một lỗi lầm nhỏ ta phạm phải thì phúc của ta lại giảm sút một phần. Ngược lại nếu ta làm điều tốt, chỉ cần nhỏ bé như dắt một người già qua đường, người ta chỉ nói một câu như con nhà ai mà tốt thế, quý hóa quá… thì cái phúc của ta cũng sẽ tăng lên một chút mà không hay. Và cứ một chút một chút như vậy nhiều lần sẽ thành cái phúc lớn như lấy chậu hứng nước mưa khi nhà bị dột vậy, từng giọt từng giọt nhưng hứng từ tối đến sang đầy lúc nào không hay. Đó là vô vi chuyển sau. Hữu vi là là đối với cả con vật, cây cảnh chứ không chỉ đối với con người. Con chó một tuần không được chủ chăm sóc khác với con chó được chủ chăm thường xuyên, cái cây bị bỏ quên một tuần khác với cái cây được chăm bón, cắt tỉa thường xuyên.

Con người rất là giòn vỡ, chỉ một cái bước hụt thôi có thể gãy xương, nhất là các cụ, đi ra đường không để ý là có thể va chạm xe cộ nhẹ thì đi bệnh viện, nặng thì lên bàn thờ. Chính vì thế mà việc tạo phúc sẽ tránh cho chúng ta gặp phải những tai họa. Vì vậy chúng ta đừng nên xem thường cái phúc chút chút, chính những cái chút chút đấy sẽ tích tụ lại thành cái lớn.
Đây là cái chính nhân, Hữu vi chuyển trước Vô vi chuyển sau, còn cái quả báo thì Vô vi chuyển trước Hữu vi chuyển sau. Điều này nghĩa là khi phúc ta được đầy đủ gọi là Vô vi chuyển trước, Hữu vi chuyển sau là công việc của ta khấm khá, thân ta khỏe mạnh, dù đi nắng dầm mưa cũng không việc gì. Theo quy luật tự nhiên, khi đến tuổi 60 trở lên thì mỗi năm mỗi già, trên 70 tuổi thì mỗi tháng mỗi già, trên 80 tuổi thì mỗi ngày mỗi già, vào viện lúc nào không hay. Vì thế mỗi mỗi chúng ta nhất là những vị niên cao lạc trưởng càng cần phải tích phúc, tùng thiện, hạn chế những sai lầm trong những năm cuối đời vì những năm cuối đời quyết định cảnh giới tương lai của chúng ta rất nhiều. Cụ thể một đàn bò khi lùa về chuồng thì con mạnh đi trước, con yếu đi sau, con mạnh vào trước con yếu vào sau và đứng cạnh cửa chuồng, sang ra mở cửa thì con yếu ra trước. Cửa nghiệp của người già cũng như thế. Những năm cuối đời nhiều khi quyết định cả cảnh giới tương lai sau khi dời bỏ thân này. Khuôn mặt các cụ tươi tỉnh, hồng hào, sáng sủa cho thấy một tương lai, cảnh giới tốt, còn những cụ mặt nhăn nhó, khó khăn chứng tỏ khó tính, hay cằn nhằn, càu nhàu con cái cũng cho thấy tương lai, cảnh giới không tốt. Khi về già, trên 60 tuổi rồi thì lui về, ở thế Thái Thượng Hoàng, tức là tư vấn khi con cái nhờ, hỏi. Còn lại thì để con cái tự làm, khôn nó nhờ, dại nó chịu, đằng này việc nhỏ, việc lớn mình cũng ôm hết. Có một câu chuyện là cố hòa thượng Minh Thành, rất có tinh thần trách nhiệm nên chuyện gì thầy cũng để tâm, có một hôm hòa thượng Trí Quang là thầy của hòa thượng Minh Thành, nói rằng: “Thầy cứ giao mọi việc cho nó, nếu nó có hư thì thầy còn chỉnh sửa, cái gì thầy cũng làm thì thầy làm hư ai dám sửa đây?”. Chính vì thế mà các cụ nên ở thế Thái Thượng Hoàng, khi nào con cái cần tư vấn về vốn sống, kinh nghiệm, cách ứng xử, nhìn người thì ta chỉ bảo chứ không nên can thiệp vào cuộc sống của con cái. Một con người muốn mình có giá trị thì phải biết xuất hiện đúng lúc và nói đúng lúc. Ví dụ như một người vợ xuất hiện lúc chồng đang buồn, lại nói chuyện về giá đồ ăn lên, con đang cần tiền học thì kiểu gì cũng sẽ dẫn đến cãi nhau, thậm chí đánh nhau. Cuộc sống gia đình trở nên nặng nề thường là do xuất hiện không đúng lúc, lời nói không đúng lúc, gây hạnh phúc gia đình rạn vỡ. Một người giám đốc muốn trách mắng người trưởng phòng thì cũng nên tránh mắng khi có mặt nhân viên của người trưởng phòng đó để người trưởng phòng đó còn giữ được cái uy quyền trong mắt nhân viên. Cũng như người ông không nên bênh cháu khi bị bố nó mắng vì như vậy nó sẽ dựa hơi ông mà không sợ bố mẹ nữa. Vợ chồng cãi nhau phải tránh khi có mặt con cái. Tuy nhiên trong thực tế lại hầu như không như vậy. Điều này làm mất đi giá trị của bố mẹ trong mắt con cái. Hình tượng tốt đẹp của bố mẹ trong mắt con cái bị mất đi. Tất cả cũng chỉ vì cái ăn cái mặc, ở, ngủ, thở mà thôi.

Như vậy chữ Sám nghĩa là mình phải ý thức được việc mình làm là sai trái. Chỉ những người tự nhận thức được mình nghiện ngập xì ke ma túy thì họ mới ko bị tái nghiện. Còn nếu do áp lực gia đình, xã hội, họ phải vào trại cai nghiện thì sau khi ra trại chắc chắn họ sẽ tái nghiện. Nếu người nào không ý thức được việc làm của mình là sai trái, là ảnh hưởng đến gia đình, xã hội thì chắc chắn họ sẽ tái phạm. Lời xin lỗi là để xoa dịu tổn thương đối với người khác, nó không có ý nghĩa bằng việc mình tự nhận thức lỗi lầm của mình. Vì khi tái phạm rồi thì lời xin lỗi không còn giá trị nữa.

Còn nghĩa chữ Hối là gì? Đó là ngăn ngừa những lỗi mà từ trước đến giờ ta chưa hề phạm phải. Ta để ý thấy cốc nước trong khi bị lắc nó vẫn trong, còn cốc nước bẩn, ta để vào một cục phèn thì phần trên trong, phần dưới đục, để yên thì nó trong mà lắc thì nó đục. Bởi vậy chúng ta đừng bao giờ chủ quan là ta không bao giờ phạm sai lầm, đừng vỗ ngực tự nhận là chưa bao giờ phạm sai lầm. Nếu ta là thuần thiện thì ta ở cõi trên, thuần ác thì ta ở cõi dưới chứ không phải ở cõi này. Bởi vậy con người là tổng hợp của cái thiện và bất thiện. Cho nên chúng ta từ lúc sinh ra đến giờ thấy rằng lúc vui, lúc buồn, lúc được, lúc mất, lúc được khen, lúc bị chê, lúc khóc, lúc cười. Cuộc đời chúng ta như một bản nhạc khi thăng, khi trầm. Bản thân chúng ta có hạt giống xấu và hạt giống tốt, lẫn lộn trong ta. Khi có duyên nào tạo điều kiện cho hạt giống nào phát triển thì nó sẽ phát triển, nên bản thân ta đừng nên nghĩ rằng mình sẽ không bao giờ làm việc này hay việc khác, phạm sai lầm này, khác. Bản thân đứa trẻ khi mới ra đời, có nghiện rượu, thuốc lá, ma túy… không? Nhưng khi lớn lên thì nó phạm phải một hay một vài trong những điều đó. Đó là chủ quan, lớn lên là nó bắt đầu giống thiên hạ vì nó không biết rằng nó không phải là cốc nước trong mà chỉ là cốc nước đục lắng trong mà thôi. Vì thế những sai lầm mà chúng ta chưa phạm phải không có nghĩa là chúng ta không phạm chỉ là ta chưa gặp phải hoàn cảnh thôi. Ví dụ chúng ta chưa bị bỏ đói nên khi thấy người bị bỏ đói ăn rất thô, nhưng nếu ta bị bỏ đói thì có khi ta còn ăn thô hơn. Có một câu chuyện một người cha khuyên con trai cai nghiện ma túy, đứa con không cai được và thách thức với cha mình rằng nếu ông nghiện rồi, ông cai được thì nó sẽ cai được. Người cha tức lên đã hút luôn cho bị nghiện. Cuối cùng người cha cũng không cai được. Bởi vậy người ta có câu “Cười người hôm trước, hôm sau người cười” cũng là vậy. Nếu ta chưa rơi vào hoàn cảnh của người khác thì đừng nên nghĩ rằng ta có thể làm tốt hơn, có thể không phạm sai lầm. Con người ta hay chủ quan, nghĩ rằng sẽ không bao giờ phạm sai lầm giống nười nọ, người kia, nhưng trong con người ta đầy đủ những hạt giống tốt lẫn xấu, sẵn sàng phát triển khi gặp hoàn cảnh giúp phát triển hạt giống tốt hay xấu.

Có những người khá kiên định cũng vẫn chưa chắc thoát khỏi sự tác động của hoàn cảnh. Một que tăm có thể khuấy một cốc nước nhỏ đục lắng trong trở nên đục hơn, nhưng không có tác dụng với một chiếc bình nước lớn 100 lít. Những người tu tập nhiều, lâu dài cũng giống như chiếc bình đó. Ngoại cảnh tác động đến họ chỉ là chưa đủ sức nặng để bản ngã của họ suy chuyển thôi chứ không phải họ miễn dịch hoàn toàn với hoàn cảnh. Với chiếc bình lớn kia, nếu ta dùng cây gậy lớn khuấy thì nó vẫn đục như thường. Bởi vậy với người tu nhiều thì phải tác động mạnh họ mới đục còn người không tu thì nhiều khi không có tác động họ vẫn đục. Không động chạm gì mà vẫn đục là chưa tu tập gì cả. Đơn giản như là khi ta ngồi không, thấy buồn chán, ta sẽ tìm bạn chơi, tìm bạn chơi là sinh chuyện, và dễ cãi lộn. Điều này thật quá tệ vì không khuấy mà đục. Khi bắt đầu tu, ta sẽ tránh được trường hợp trên, tức là khi không ai đụng chạm đến họ, họ sẽ không đụng đến ai, nhưng khi có người đụng đến họ, họ sẽ phản ứng lại. Với người tu lâu, tác động của hoàn cảnh xung quanh không làm họ phản ứng lại vì sức nhẫn của họ cao hơn giá trị tác động của hoàn cảnh. Tuy nhiên nếu gặp cao thủ quậy, vẫn đục như thường.

Có một câu chuyện là có một vị thiền sư, tu hành lâu năm và được mọi người trọng vọng gặp một vị thiền sư chính hiệu. Vị thiền sư thứ nhất tự cho rằng không có gì có thể là mình suy chuyển được bản ngã, và vị thiền sư thứ hai mới thử bằng cách nhờ nhà vua đưa cho vị thiền sư thứ nhất ăn cơm hẩm hiu và bát xấu xí, vị thiền sư kia vẫn ăn và chịu đựng được. Và vị thiền sư thứ hai bảo nhà vua vẫn tiếp tục như vậy và thêm mắng mỏ vị thiền sư thứ nhất. Sau đó vị thiền sư thứ nhất về nhà và tức mà chết vì cho rằng với sức tu hành của ta như vậy mà không những không được nhà vua kính trọng mà còn bị mắng mỏ.

Và ngay cả những cụ già, lúc ngồi không, buồn lại nhờ con cháu đưa đi gặp bạn bè, thông gia… như vậy là chưa qua dược giai đoạn 1, tức là tự mình không để mình ngồi yên. Có các cấp độ tu khác nhau:

Cấp độ 1 là ở yên một mình mà mình được an lạc thì ra chỗ đông người ta mất chín phần an lạc. Điều đó nghĩa là mình an lạc vì cảnh an lạc, còn ra chỗ động mình mất an lạc như thường. Đó là an lạc ảo. Không ai động chạm đến mình nên mình không biết rằng ngã mình to đến mức nào.
Mà thực ra cái ngã của mình thì không có tên gọi. Ví dụ bản thân chị, khi chị ở một mình gọi chị thế nào cũng là không đúng. Gọi chị là chị không đúng vì đâu có anh đâu mà kêu chị, kêu tên chị là Kim Anh cũng không đúng vì đâu có Kim Em gì đâu, không có mẹ chị kế bên nên cũng không thể kêu chị la con. Không có con chị kế bên nên cũng không thể kêu chị là mẹ. Như vậy mình có tên thật nhưng lại không có tên để gọi, mặc dù tên mình hiện hữu như Kim Anh, chị, em, con… Những cái tên đó đều là giả ngã. Những cái tên đó thay đổi tùy theo đối tượng bên ngoài thì ta lại coi đó là tên thì đó thật là vô minh. Ai đó kêu tên mình lên chửi mà mình nổi điên lên thì đó thật là vô mình vì đó đâu phải mình đâu.

Như vậy khi cốc nước bị quậy mà vẫn trong thì đó là cấp độ 2. Khi ứng xử với mọi người, thuận hay nghịch gì thì mình vẫn giữ tâm an lạc, bất động. Cấp độ 2 nghĩa họ làm chủ được mình khi ở một mình cũng như chỗ đông người, tuy nhiên khi thức mình an lạc nhưng lúc ngủ mình mất chín phần. Ví dụ ban ngày có xích mích với sếp, bị sếp mắng phải nhịn thì ban đêm sẽ cãi lộn với sếp te tua. Tự trong tiềm thức chúng ta lúc đó sẽ mắng sếp, nổi điên lên để xả stress vì ban ngày không dám làm như vậy vì sẽ mất nhiều thứ.

Cấp độ 3 là khi tiếp xúc mọi người và lúc ngủ vẫn làm chủ được bản thân nhưng khi khỏe được 10 thì lúc ốm đau mất hết 9. Lúc khỏe mạnh thì không sao, đến lúc ốm đau chúng ta chúng ta không kiểm soát được hành vi, sẽ mất tự chủ. Đến khi nào lúc ngủ chúng ta cũng làm chủ được thì lúc đó là tự tại, là ly nước thuần khiết. Ví dụ người mới xuất gia, ban ngày họ ăn chay nhưng ban đêm họ lén ăn mặn vì họ thèm quá. Nhưng với người tu lâu, họ thuần rồi thì ban đêm họ vẵn ăn chay như ban ngày.

Như vậy nếu ta chưa thể đạt được cấp độ như cốc nước thuần trong thì chúng ta vẫn phải cẩn thận vì bất kỳ lúc nào chúng ta cũng có thể phạm phải sai lầm.

Qua bài học này chúng ta thấy rằng Sám là Chừa bỏ những lỗi đã làm và Hối là ngăn ngừa những lỗi chưa phạm phải. Và trong cuộc sống này ai có thể chừa bỏ những lỗi đã phạm và ngăn ngừa những lỗi chưa phạm thì nếu họ không phải bậc thánh, hiền thì cũng là một con người vô cùng tốt đẹp, một chính nhân quân tử. Còn chúng ta không phải như vậy vì chúng ta phạm biết bao nhiều lần, nói dối biết bao lần, và chính những lời nói dối đó khiến cho người khác mất đi lòng tin về chúng ta và lúc ta nói thật cũng không ai tin.

Như vậy để chừa bỏ những lỗi đã phạm và ngăn ngừa những lỗi chưa phạm chúng ta phải làm những điều như sau trước khi đi ngủ:

  1. Kiểm điểm tâm: xét nguyên ngày hôm nay chúng ta đã làm gì, nghĩ gì, nói gì làm cho ai buồn, ai vui…
  2. Thanh lọc tâm: Những điều mình làm, lời mình nói làm ai vui để 1 bên, làm ai buồn để 1 bên
  3. Hàng phục tâm ma: chúng ta quyết không tái phạm những gì làm cho người khác đau khổ, tổn thương
  4. An trụ tâm thiện: Duy trì và phát huy những gì mà ta làm cho người khác vui, lợi ích cho người khác


Sáng chúng ta phát nguyện 2 điều trước bàn thờ tổ tiên hoặc bàn thờ phật;

1. Con nguyện duy trì và phát huy những gi đã làm lợi ích cho người khác
2. Con quyết không tái phạm những gì hôm qua đã làm cho bạn bè, người thân, những người xung quanh bị tổn thương, đau khổ bằng lời nói, cử chỉ hành động

Con xin cha mẹ, ông bà, tổ tiên, chư phật gia hộ cho con có đủ tâm lực, trí lực, bi lực, dũng lực để con thành toàn tâm nguyện của con, để con xứng đáng là con cháu của các cụ và xứng đáng là đệ tử của Phật.

Như vậy chúng ta sẽ không thể làm bậy được vì ngày nào cũng kiểm điểm, phát nguyện. Chúng ta sẽ giảm thiểu những việc ác và tăng trưởng những điều thiện qua những việc kiểm điểm, phát nguyện đó. Và tinh thần Sám Hối là vậy. Mong rằng mỗi chúng ta biết Sám Hối để được an lạc và những người xung quanh được an lạc bởi mình.

Nam mô A di đà Phật.

Download file
File .docx
File .MP3

Friday, February 3, 2012

Giải thích về Sao - Hạn



Thầy đã nhận email danh sách kỳ an đầu năm của các gia đình Phật Tử Hòa Đạo rồi.Thầy sẽ làm lễ kỳ an đầu năm. Các anh chị em con kỹ lưỡng quá! Có ghi cả Cửu Tinh, Bát Hạn luôn. Thầy kính lời vấn an quý cụ ông cụ bà và thăm hỏi các anh chị em Phật Tử Hòa Đạo, nguyện quý vị an lành năm mới.

Nhân đây thầy nói xíu về lĩnh vực Sao Hạn các anh chị em con nghe nhé!

1200 năm trước đây Sao Hạn chưa được đề cập đến. Vào khoảng hậu bán thế kỷ IX sau Công Nguyên, Trần Đoàn Hi Di căn cứ Chu Dịch và tinh tượng mà biệt xuất môn Tử Vi: phối âm dương độn cục tiết khí an cung, mệnh, sao, hạn…dự đoán vận khí con người và sự vật. Thoạt tiên, Khoa Tử Vi cũng dành cho hàng ẩn sĩ tu tiên núi rừng, sống thuận thiên, nhưng sau đó một nhóm danh sĩ bị danh lợi hóa bởi nhu cầu huyền bí học của Triều đình đương đại, dần dần lún sâu vào chiêm tinh bói toán. Sao Hạn từ đó ra đời như một biệt thể của Tử Vi, mục đích nhằm giải tỏa đi phần nào nỗi hoang mang trước trời đất bao la, sinh tử không cùng. 9 sao được xem như 9 vị thiên thần, 8 hạn được xem như 8 vị địa thần. Trải suốt chiều dài lịch sử hơn 1000 năm, Trung Hoa hay Việt Nam đều nhìn nhận giống nhau về điều này.

Thật ra, nếu Sao Hạn được mô phỏng rồi hiểu và thành kính sùng bái không có danh lợi chen vào, lâu ngày được xem như nét riêng phong tục tập quán, như vậy cũng không nói làm gì. Kính trọng biểu tượng để vơi đi sợ sệt thì không phải lỗi của con người.

Các anh chị em con là người học Phật, sống và làm việc trong tinh thần Phật pháp, dùng trí tuệ và hành động của mình để quyết định nhân quả cho mình. Hãy "hòa" tâm mình vào "đạo" để lan tỏa từ tâm, nguyện mình an lạc, gia đình an lạc, mọi người an lạc.

Về nhận thức Sao Hạn, nếu có một khoảng không cho tư duy đúng thế giới ngoại tại, thầy mong các anh chị em con thiên hướng tư duy thế này:

9 Sao biểu thị chín phương trời, 8 Hạn biểu thị 8 hướng đất. Sao biểu thị thiên khí, Hạn biểu thị địa linh; Sao biểu thị tinh thần, Hạn biểu thị vật chất; Sao biểu thị tĩnh, Hạn biểu thị động; Sao biểu thị tính cách, Hạn biểu thị việc làm.

Hiểu được như vậy, khi nhìn về Sao Hạn, nghĩa là chúng ta nhìn về công ơn đất trời che chở; kiểm soát được tinh thần, ổn định được vật chất; khi tĩnh thì rải hết từ tâm, lúc động thì lợi lạc mọi người; luôn giữ phong cách trong sáng và khởi ra hành động chừng mực. Được vậy, nhân dịp đầu năm hướng tâm về Phật pháp cầu kinh an lạc cho mình, gia đình và xã hội thì còn gì bằng.

Một lần nữa, thầy kính nguyện năm mới toàn thể gia đình các anh chi em con được thân tâm an lạc, công việc tốt, hạnh phúc, đoàn kết và hướng từ tâm đến mọi người. Mô Phật!