Saturday, November 17, 2012

Bài 6: Tứ nhiếp pháp


TỨ NHIẾP PHÁP
Bài giảng Đại đức Thích Tâm Thuần
Trưởng Ban Hoằng pháp Thiền Viện Sùng Phúc 


Download file

Chia sẻ của thầy Quảng Sự với nhóm Hòa Đạo



Thực sự Thầy thấy các anh chị như vậy thầy rất vui, rất mừng. Cái vui cái mừng của Thầy, Thầy nhìn dưới góc độ khác, Thầy nhìn dưới cục diện nhân sinh hiện tại. Thực sự quý vị thấy trong đời sống hối hả như vậy, nếu Thầy không muốn dùng từ bấn loạn thì thực sự nó rất là phức tạp, mà anh chị đã có sự hướng tâm vào nội tâm của chính mình. Bằng sự nỗ lực của chính mình, bằng nhân duyên của chính mình, duy trì được sự san sẻ với nhau, duy trì sự học hỏi cùng nhau, duy trì sự tu tập lẫn nhau để san sẻ niềm vui nỗi buồn, rồi còn sắp tắng cho nhau, còn tạo nhân duyên cho nhau nữa. Tức là mình là con cái, mình tạo nhân duyên cho cha mẹ. Mình là cha mẹ, mình tạo nhân duyên cho con cái. Mình là chồng, tạo nhân duyên cho vợ. Mình là vợ,  tạo nhân duyên cho chồng. Cho nên tư tưởng Phật pháp đựơc nhân rộng ra. Tư tưởng Phật pháp không phải từ trên trời rơi xuống, cũng không phải từ dưới đất mọc lên, mà tư tưởng Phật pháp đó ẩn tàng trong mỗi tâm tư của mỗi chúng ta. Bởi lâu nay chúng ta do nghiệp duyên chưa khai mở được mà thôi. Ngày hôm nay ta có thắng duyên đó, huynh đệ với nhau, anh em với nhau, mỗi người mỗi nhà, mỗi người mỗi cửa, như khi có thắng duyên câu hội, nghĩa là thắng duyên hướng về một chỗ thì nhân duyên Phật pháp được khai mở. Thầy thực sự rất mừng và càng mừng hơn nữa nếu các quý vị tiếp tục duy trì mô hình thế này, nhân rộng ra và các anh chị với nhau cùng nhau tu tập, san sẻ kiến thức Phật pháp, cũng như năng lực tu trì, mối nghi ngờ và những điều khó khăn hoặc là vui buồn mà các anh chị có thể san sẻ với nhau, thì đó chính là tinh thần Phật pháp đang ở thế gian. Đó cũng chính là tinh thần Hòa Đạo.

Như thầy đã nói, Chữ Hòa Đạo ý nghĩa rất sâu sa. Hòa là động từ, Đạo là danh từ. Đạo thuộc về tâm mà Hòa thuộc về dụng cảnh. Hòa thuộc về vật chất, Đạo thuộc về tinh thần. Hòa thuộc về dụng tại thế gian, Đạo thuộc thể. Tất cả các anh chị đều giữ đạo lực trong mình, hòa cùng đời sống, đem đạo pháp đó hòa vào cùng đời sống thì đó là tinh thần của Hòa Đạo. Cho nên chỉ ngay ý nghĩa hai chữ Hòa Đạo thôi đã là một công án cho các anh chị tu tập, chứ chưa nói đến việc ngồi thiền hay chia sẻ gì hết. Ngày nào cũng niệm hai chữ Hòa Đạo thôi thì đã là tu tập rồi. Như vậy là thầy rất mừng.

Thầy biết rằng các anh chị mỗi người một công việc. Trong cuộc sống hiện tại, kinh tế đất nước rất khó khăn, mà anh chị vẫn giữ tâm lực như vậy cho chúng ta thấy rằng thực sự thế giới tinh thần đang bắt đầu có thể chuyển được thế giới vật chất. Mà một khi các anh chị đã dùng tinh thần của mình để chuyển thế giới vật chất có nghĩa là mình dùng tâm chuyển cảnh được. Hay nói cách khác, mình dùng trí tuệ của mình để chuyển được nghiệp lực của mình. Mà thực sự để duy trì được, các anh chị phải có một sự tu trì, phải có một thời khóa, phải có sự gia công dụng hạnh đúng và miên mật, cũng như mình phải trưởng dưỡng thân tâm thường xuyên, chứ không thể chỉ sống với ngôn từ hay sống với tinh thần chỉ mang tính chất vui chơi. Thực sự mình phải đem tâm tư gia công dụng hạnh, đem lại lợi lạc cho bản thân mình, cho gia đình mình và cho những người xung quanh mình. Đó chính là ý nghĩa của Hòa Đạo mà thầy mong rằng các anh chị từ hôm nay, một năm trước, bây giờ và mãi mãi về sau, vẫn giữ vững tinh thần đó. Đó được xem như là Phật pháp ở tại thế gian. Một lần nữa thầy rất mừng, mong các anh chị vui vẻ an lạc trong cuộc sống để tạo cho chính nghiệp lực của mình có thắng duyên để chuyển được nghiệp lực của người xung quanh, tức là của cộng đồng, để cho cuộc sống mỗi lúc mỗi tốt đẹp, càng ngày càng an lạc.

Nam mô A Di Đà Phật