Saturday, July 14, 2012

Bài 3: Sám hối


SÁM HỐI
Bài giảng Đại đức Thích Thiện Tài
Giảng sư Ban Hoằng pháp Thiền Viện Sùng Phúc


Kính thưa các quí vị, hôm nay chúng ta học bài Sám hối. Chúng ta học bài hôm nay vì như chúng ta đã biết là mỗi con người chúng ta, ai ai cũng chưa là chủ được ngũ dục và ít nhiều nếu người không bị cái này làm chủ thì cũng sẽ bị cái khác làm chủ. Ví dụ có nhiều người không bị sức mạnh của đồng tiền chinh phục nhưng lại bị sắc đẹp chinh phục, có người không bị sắc đẹp chinh phục nhưng lại bị danh vọng chinh phục, có người không bị danh vọng chinh phục nhưng lại bị cái ăn, cái mặc chinh phục. Vì vậy đa phần chúng ta không bị cái này thì bị cái kia trong ngũ dục chinh phục. Và khi đó lời ăn tiếng nói, cách cư xử của chúng ta thế nào cũng sẽ làm cho người khác bị tổn thương, phải buồn, khổ. Những cái thuộc ngũ dục là tiền tài, sắc đẹp, danh vọng, ăn và ngủ. Có người đang ngủ mà bị đánh thức sẵn sàng có hành động, lời nói làm tổn thương người đánh thức họ cho dù người đó là bề trên, cha mẹ, ông bà của họ. Và chúng ta cũng thấy thông qua bàn ăn, người ta quý nhau, mời nhau ăn, nhưng cũng thông qua bàn ăn những thói hư tật xấu cũng lộ ra. Thế cho nên nếu chúng ta không phải là Thánh, thế nào cũng bị ngũ dục ràng buộc. Mà đã bị ràng buộc như vậy thế nào chúng ta cũng phạm phải những lỗi lầm, khiến cho những người xung quanh bị tổn thương, đau khổ, phật lòng. Kể cả những người cận kề cái chết cũng vậy, có những người sắp cận kề cái chết vẫn suy nghĩ nhiều về công trình tích góp cả đời của mình. Nhiều cụ phải chờ đầy đủ con cháu có mặt mới yên lòng nhắm mắt xuôi tay. Vì vậy, bất kể ai, hễ còn bị ngũ dục làm chủ thì vẫn sẽ còn phạm những sai lầm. Trong cuộc sống đời thường khi đối nhân xử thế cũng như đối với bản thân mình, ai ai cũng phải học bài học hôm nay là “Sám hối”.

Nếu chúng ta phạm lỗi lầm mà không chịu sửa chữa lỗi lầm thì chúng ta không trở thành người hoàn lương, phục thiện. Vậy chữ Sám Hối là gì? Sám là Sám kỳ tiền khiên, Hối là Hối kỳ hậu hóa. Nói cho dễ hiểu thì Sám là chừa bỏ lỗi cũ, Hối là ngăn ngừa lỗi mới. Vậy nghĩa chữ Sám là gì? Để hiểu được chữ Sám thì đơn giản nhưng để ứng dụng thì lại không hề đơn giản chút nào. Có nhiều người đã từng xin lỗi với bố, mẹ, vợ nhưng sau đó vẫn phạm phải những lỗi lầm đã từng xin lỗi đó. Như vậy Sám được chia ra làm hai. Thứ nhất người phạm lỗi lầm phải ý thức được lỗi mà họ gây ra chứ nếu chỉ để đối tượng kia được vui, tha thứ lỗi lầm cho họ, thì tái phạm là điều chắc chắn. Đến Phật, Thánh cũng không sửa được lỗi của ta, chỉ có ta tự ý thức được lỗi lầm của ta thì ta mới sửa được. Nếu chúng ta chỉ vì để bố mẹ được vui hay gạt bố mẹ để đạt được những mong muốn ích kỷ thì đó là cuộc sống đời thường hay xảy ra. Do đó chúng ta trở thành phàm phu vì chúng ta sám thì có sám nhưng chừa thì không chừa, có nghĩa là lỗi lúc đó thì ta xin nhưng sau đó ta lại vẫn vi phạm. Ta không biết đó là sai lầm mà ta chỉ biết chiều lòng đối tượng đó nên ta xin lỗi cho qua giống như một đứa trẻ. Đứa trẻ tự biết nói lời xin lỗi khi bị bố mẹ đánh vì chơi game, vì lười học… nhưng sau khi hết đau nó lại vẫn làm những điều đó, đơn giản vì nó không nhận thức được đó là sai lầm, và người lớn cũng vậy. Chúng ta thấy những người nghiện thuốc lá, heroin, rượu không bỏ được là vì sao. Đó là vì họ không ý thức được đó là sai lầm, để lại hậu quả rất lớn cho bản thân, gia đình, xã hội. Cho nên những người nghiện thuốc nói rằng hễ còn người bán thuốc thì họ còn mua thuốc hút, khi nào dẹp hết người bán thuốc thì họ mới thôi hút. Điều này là phi logic vì cung bao giờ cũng đi sau cầu, có cầu mới có cung. Điều này ai ai cũng hiểu nhưng để ứng dụng thì không đơn giản vì ai cũng cho mình là đúng. Mà khi đã không thấy mình sai thì sẽ làm tiếp, mà tiếp tục làm vậy chúng ta tạo nên một cái nhân rất xấu. Với cái nhân tạo tác thì “Hữu vi chuyển trước, Vô vi chuyển sau”. Ví dụ những hành động của ta làm ảnh hưởng đến người khác khiến họ trách mắng thậm chí thù ghét ta, họ sẽ oán, sẽ trách như là “tại sao trời không đánh thánh không vật nó đi”... Cái đó sẽ làm cho phúc của ta bị giảm đi. Người mắng ta là Hữu vi chuyển trước, do hành vi của ta, Vô vi chuyển sau là phúc của ta bị giảm đi. Cho nên tại sao Bồ tát sợ nhân, chúng sinh sợ quả. Bồ tát sợ cái nhân tạo tán, còn với chúng ta thì tạo nhân vô tư, đến khi quả báo đến thì than trời trách đất mà trời đất cũng không cứu cho vì nó đã thành quả báo. Chúng ta lấy một minh chứng cụ thể hơn đó là chiếc đèn dầu, khi chúng ta ngủ chúng ta thấy bình đầy dầu, chúng ta ngồi canh thì không thấy nó hết nhưng đến sang ngủ dậy thì nó hết. Cuộc sống cũng vậy, chúng ta thấy vẫn còn quyền, còn tiền, chúng ta thấy những lỗi lầm phạm phải nhỏ, chúng ta bỏ qua, nhưng những lỗi nhỏ gộp nhiều sẽ thành lỗi lớn. Và cứ một lỗi lầm nhỏ ta phạm phải thì phúc của ta lại giảm sút một phần. Ngược lại nếu ta làm điều tốt, chỉ cần nhỏ bé như dắt một người già qua đường, người ta chỉ nói một câu như con nhà ai mà tốt thế, quý hóa quá… thì cái phúc của ta cũng sẽ tăng lên một chút mà không hay. Và cứ một chút một chút như vậy nhiều lần sẽ thành cái phúc lớn như lấy chậu hứng nước mưa khi nhà bị dột vậy, từng giọt từng giọt nhưng hứng từ tối đến sang đầy lúc nào không hay. Đó là vô vi chuyển sau. Hữu vi là là đối với cả con vật, cây cảnh chứ không chỉ đối với con người. Con chó một tuần không được chủ chăm sóc khác với con chó được chủ chăm thường xuyên, cái cây bị bỏ quên một tuần khác với cái cây được chăm bón, cắt tỉa thường xuyên.

Con người rất là giòn vỡ, chỉ một cái bước hụt thôi có thể gãy xương, nhất là các cụ, đi ra đường không để ý là có thể va chạm xe cộ nhẹ thì đi bệnh viện, nặng thì lên bàn thờ. Chính vì thế mà việc tạo phúc sẽ tránh cho chúng ta gặp phải những tai họa. Vì vậy chúng ta đừng nên xem thường cái phúc chút chút, chính những cái chút chút đấy sẽ tích tụ lại thành cái lớn.
Đây là cái chính nhân, Hữu vi chuyển trước Vô vi chuyển sau, còn cái quả báo thì Vô vi chuyển trước Hữu vi chuyển sau. Điều này nghĩa là khi phúc ta được đầy đủ gọi là Vô vi chuyển trước, Hữu vi chuyển sau là công việc của ta khấm khá, thân ta khỏe mạnh, dù đi nắng dầm mưa cũng không việc gì. Theo quy luật tự nhiên, khi đến tuổi 60 trở lên thì mỗi năm mỗi già, trên 70 tuổi thì mỗi tháng mỗi già, trên 80 tuổi thì mỗi ngày mỗi già, vào viện lúc nào không hay. Vì thế mỗi mỗi chúng ta nhất là những vị niên cao lạc trưởng càng cần phải tích phúc, tùng thiện, hạn chế những sai lầm trong những năm cuối đời vì những năm cuối đời quyết định cảnh giới tương lai của chúng ta rất nhiều. Cụ thể một đàn bò khi lùa về chuồng thì con mạnh đi trước, con yếu đi sau, con mạnh vào trước con yếu vào sau và đứng cạnh cửa chuồng, sang ra mở cửa thì con yếu ra trước. Cửa nghiệp của người già cũng như thế. Những năm cuối đời nhiều khi quyết định cả cảnh giới tương lai sau khi dời bỏ thân này. Khuôn mặt các cụ tươi tỉnh, hồng hào, sáng sủa cho thấy một tương lai, cảnh giới tốt, còn những cụ mặt nhăn nhó, khó khăn chứng tỏ khó tính, hay cằn nhằn, càu nhàu con cái cũng cho thấy tương lai, cảnh giới không tốt. Khi về già, trên 60 tuổi rồi thì lui về, ở thế Thái Thượng Hoàng, tức là tư vấn khi con cái nhờ, hỏi. Còn lại thì để con cái tự làm, khôn nó nhờ, dại nó chịu, đằng này việc nhỏ, việc lớn mình cũng ôm hết. Có một câu chuyện là cố hòa thượng Minh Thành, rất có tinh thần trách nhiệm nên chuyện gì thầy cũng để tâm, có một hôm hòa thượng Trí Quang là thầy của hòa thượng Minh Thành, nói rằng: “Thầy cứ giao mọi việc cho nó, nếu nó có hư thì thầy còn chỉnh sửa, cái gì thầy cũng làm thì thầy làm hư ai dám sửa đây?”. Chính vì thế mà các cụ nên ở thế Thái Thượng Hoàng, khi nào con cái cần tư vấn về vốn sống, kinh nghiệm, cách ứng xử, nhìn người thì ta chỉ bảo chứ không nên can thiệp vào cuộc sống của con cái. Một con người muốn mình có giá trị thì phải biết xuất hiện đúng lúc và nói đúng lúc. Ví dụ như một người vợ xuất hiện lúc chồng đang buồn, lại nói chuyện về giá đồ ăn lên, con đang cần tiền học thì kiểu gì cũng sẽ dẫn đến cãi nhau, thậm chí đánh nhau. Cuộc sống gia đình trở nên nặng nề thường là do xuất hiện không đúng lúc, lời nói không đúng lúc, gây hạnh phúc gia đình rạn vỡ. Một người giám đốc muốn trách mắng người trưởng phòng thì cũng nên tránh mắng khi có mặt nhân viên của người trưởng phòng đó để người trưởng phòng đó còn giữ được cái uy quyền trong mắt nhân viên. Cũng như người ông không nên bênh cháu khi bị bố nó mắng vì như vậy nó sẽ dựa hơi ông mà không sợ bố mẹ nữa. Vợ chồng cãi nhau phải tránh khi có mặt con cái. Tuy nhiên trong thực tế lại hầu như không như vậy. Điều này làm mất đi giá trị của bố mẹ trong mắt con cái. Hình tượng tốt đẹp của bố mẹ trong mắt con cái bị mất đi. Tất cả cũng chỉ vì cái ăn cái mặc, ở, ngủ, thở mà thôi.

Như vậy chữ Sám nghĩa là mình phải ý thức được việc mình làm là sai trái. Chỉ những người tự nhận thức được mình nghiện ngập xì ke ma túy thì họ mới ko bị tái nghiện. Còn nếu do áp lực gia đình, xã hội, họ phải vào trại cai nghiện thì sau khi ra trại chắc chắn họ sẽ tái nghiện. Nếu người nào không ý thức được việc làm của mình là sai trái, là ảnh hưởng đến gia đình, xã hội thì chắc chắn họ sẽ tái phạm. Lời xin lỗi là để xoa dịu tổn thương đối với người khác, nó không có ý nghĩa bằng việc mình tự nhận thức lỗi lầm của mình. Vì khi tái phạm rồi thì lời xin lỗi không còn giá trị nữa.

Còn nghĩa chữ Hối là gì? Đó là ngăn ngừa những lỗi mà từ trước đến giờ ta chưa hề phạm phải. Ta để ý thấy cốc nước trong khi bị lắc nó vẫn trong, còn cốc nước bẩn, ta để vào một cục phèn thì phần trên trong, phần dưới đục, để yên thì nó trong mà lắc thì nó đục. Bởi vậy chúng ta đừng bao giờ chủ quan là ta không bao giờ phạm sai lầm, đừng vỗ ngực tự nhận là chưa bao giờ phạm sai lầm. Nếu ta là thuần thiện thì ta ở cõi trên, thuần ác thì ta ở cõi dưới chứ không phải ở cõi này. Bởi vậy con người là tổng hợp của cái thiện và bất thiện. Cho nên chúng ta từ lúc sinh ra đến giờ thấy rằng lúc vui, lúc buồn, lúc được, lúc mất, lúc được khen, lúc bị chê, lúc khóc, lúc cười. Cuộc đời chúng ta như một bản nhạc khi thăng, khi trầm. Bản thân chúng ta có hạt giống xấu và hạt giống tốt, lẫn lộn trong ta. Khi có duyên nào tạo điều kiện cho hạt giống nào phát triển thì nó sẽ phát triển, nên bản thân ta đừng nên nghĩ rằng mình sẽ không bao giờ làm việc này hay việc khác, phạm sai lầm này, khác. Bản thân đứa trẻ khi mới ra đời, có nghiện rượu, thuốc lá, ma túy… không? Nhưng khi lớn lên thì nó phạm phải một hay một vài trong những điều đó. Đó là chủ quan, lớn lên là nó bắt đầu giống thiên hạ vì nó không biết rằng nó không phải là cốc nước trong mà chỉ là cốc nước đục lắng trong mà thôi. Vì thế những sai lầm mà chúng ta chưa phạm phải không có nghĩa là chúng ta không phạm chỉ là ta chưa gặp phải hoàn cảnh thôi. Ví dụ chúng ta chưa bị bỏ đói nên khi thấy người bị bỏ đói ăn rất thô, nhưng nếu ta bị bỏ đói thì có khi ta còn ăn thô hơn. Có một câu chuyện một người cha khuyên con trai cai nghiện ma túy, đứa con không cai được và thách thức với cha mình rằng nếu ông nghiện rồi, ông cai được thì nó sẽ cai được. Người cha tức lên đã hút luôn cho bị nghiện. Cuối cùng người cha cũng không cai được. Bởi vậy người ta có câu “Cười người hôm trước, hôm sau người cười” cũng là vậy. Nếu ta chưa rơi vào hoàn cảnh của người khác thì đừng nên nghĩ rằng ta có thể làm tốt hơn, có thể không phạm sai lầm. Con người ta hay chủ quan, nghĩ rằng sẽ không bao giờ phạm sai lầm giống nười nọ, người kia, nhưng trong con người ta đầy đủ những hạt giống tốt lẫn xấu, sẵn sàng phát triển khi gặp hoàn cảnh giúp phát triển hạt giống tốt hay xấu.

Có những người khá kiên định cũng vẫn chưa chắc thoát khỏi sự tác động của hoàn cảnh. Một que tăm có thể khuấy một cốc nước nhỏ đục lắng trong trở nên đục hơn, nhưng không có tác dụng với một chiếc bình nước lớn 100 lít. Những người tu tập nhiều, lâu dài cũng giống như chiếc bình đó. Ngoại cảnh tác động đến họ chỉ là chưa đủ sức nặng để bản ngã của họ suy chuyển thôi chứ không phải họ miễn dịch hoàn toàn với hoàn cảnh. Với chiếc bình lớn kia, nếu ta dùng cây gậy lớn khuấy thì nó vẫn đục như thường. Bởi vậy với người tu nhiều thì phải tác động mạnh họ mới đục còn người không tu thì nhiều khi không có tác động họ vẫn đục. Không động chạm gì mà vẫn đục là chưa tu tập gì cả. Đơn giản như là khi ta ngồi không, thấy buồn chán, ta sẽ tìm bạn chơi, tìm bạn chơi là sinh chuyện, và dễ cãi lộn. Điều này thật quá tệ vì không khuấy mà đục. Khi bắt đầu tu, ta sẽ tránh được trường hợp trên, tức là khi không ai đụng chạm đến họ, họ sẽ không đụng đến ai, nhưng khi có người đụng đến họ, họ sẽ phản ứng lại. Với người tu lâu, tác động của hoàn cảnh xung quanh không làm họ phản ứng lại vì sức nhẫn của họ cao hơn giá trị tác động của hoàn cảnh. Tuy nhiên nếu gặp cao thủ quậy, vẫn đục như thường.

Có một câu chuyện là có một vị thiền sư, tu hành lâu năm và được mọi người trọng vọng gặp một vị thiền sư chính hiệu. Vị thiền sư thứ nhất tự cho rằng không có gì có thể là mình suy chuyển được bản ngã, và vị thiền sư thứ hai mới thử bằng cách nhờ nhà vua đưa cho vị thiền sư thứ nhất ăn cơm hẩm hiu và bát xấu xí, vị thiền sư kia vẫn ăn và chịu đựng được. Và vị thiền sư thứ hai bảo nhà vua vẫn tiếp tục như vậy và thêm mắng mỏ vị thiền sư thứ nhất. Sau đó vị thiền sư thứ nhất về nhà và tức mà chết vì cho rằng với sức tu hành của ta như vậy mà không những không được nhà vua kính trọng mà còn bị mắng mỏ.

Và ngay cả những cụ già, lúc ngồi không, buồn lại nhờ con cháu đưa đi gặp bạn bè, thông gia… như vậy là chưa qua dược giai đoạn 1, tức là tự mình không để mình ngồi yên. Có các cấp độ tu khác nhau:

Cấp độ 1 là ở yên một mình mà mình được an lạc thì ra chỗ đông người ta mất chín phần an lạc. Điều đó nghĩa là mình an lạc vì cảnh an lạc, còn ra chỗ động mình mất an lạc như thường. Đó là an lạc ảo. Không ai động chạm đến mình nên mình không biết rằng ngã mình to đến mức nào.
Mà thực ra cái ngã của mình thì không có tên gọi. Ví dụ bản thân chị, khi chị ở một mình gọi chị thế nào cũng là không đúng. Gọi chị là chị không đúng vì đâu có anh đâu mà kêu chị, kêu tên chị là Kim Anh cũng không đúng vì đâu có Kim Em gì đâu, không có mẹ chị kế bên nên cũng không thể kêu chị la con. Không có con chị kế bên nên cũng không thể kêu chị là mẹ. Như vậy mình có tên thật nhưng lại không có tên để gọi, mặc dù tên mình hiện hữu như Kim Anh, chị, em, con… Những cái tên đó đều là giả ngã. Những cái tên đó thay đổi tùy theo đối tượng bên ngoài thì ta lại coi đó là tên thì đó thật là vô minh. Ai đó kêu tên mình lên chửi mà mình nổi điên lên thì đó thật là vô mình vì đó đâu phải mình đâu.

Như vậy khi cốc nước bị quậy mà vẫn trong thì đó là cấp độ 2. Khi ứng xử với mọi người, thuận hay nghịch gì thì mình vẫn giữ tâm an lạc, bất động. Cấp độ 2 nghĩa họ làm chủ được mình khi ở một mình cũng như chỗ đông người, tuy nhiên khi thức mình an lạc nhưng lúc ngủ mình mất chín phần. Ví dụ ban ngày có xích mích với sếp, bị sếp mắng phải nhịn thì ban đêm sẽ cãi lộn với sếp te tua. Tự trong tiềm thức chúng ta lúc đó sẽ mắng sếp, nổi điên lên để xả stress vì ban ngày không dám làm như vậy vì sẽ mất nhiều thứ.

Cấp độ 3 là khi tiếp xúc mọi người và lúc ngủ vẫn làm chủ được bản thân nhưng khi khỏe được 10 thì lúc ốm đau mất hết 9. Lúc khỏe mạnh thì không sao, đến lúc ốm đau chúng ta chúng ta không kiểm soát được hành vi, sẽ mất tự chủ. Đến khi nào lúc ngủ chúng ta cũng làm chủ được thì lúc đó là tự tại, là ly nước thuần khiết. Ví dụ người mới xuất gia, ban ngày họ ăn chay nhưng ban đêm họ lén ăn mặn vì họ thèm quá. Nhưng với người tu lâu, họ thuần rồi thì ban đêm họ vẵn ăn chay như ban ngày.

Như vậy nếu ta chưa thể đạt được cấp độ như cốc nước thuần trong thì chúng ta vẫn phải cẩn thận vì bất kỳ lúc nào chúng ta cũng có thể phạm phải sai lầm.

Qua bài học này chúng ta thấy rằng Sám là Chừa bỏ những lỗi đã làm và Hối là ngăn ngừa những lỗi chưa phạm phải. Và trong cuộc sống này ai có thể chừa bỏ những lỗi đã phạm và ngăn ngừa những lỗi chưa phạm thì nếu họ không phải bậc thánh, hiền thì cũng là một con người vô cùng tốt đẹp, một chính nhân quân tử. Còn chúng ta không phải như vậy vì chúng ta phạm biết bao nhiều lần, nói dối biết bao lần, và chính những lời nói dối đó khiến cho người khác mất đi lòng tin về chúng ta và lúc ta nói thật cũng không ai tin.

Như vậy để chừa bỏ những lỗi đã phạm và ngăn ngừa những lỗi chưa phạm chúng ta phải làm những điều như sau trước khi đi ngủ:

  1. Kiểm điểm tâm: xét nguyên ngày hôm nay chúng ta đã làm gì, nghĩ gì, nói gì làm cho ai buồn, ai vui…
  2. Thanh lọc tâm: Những điều mình làm, lời mình nói làm ai vui để 1 bên, làm ai buồn để 1 bên
  3. Hàng phục tâm ma: chúng ta quyết không tái phạm những gì làm cho người khác đau khổ, tổn thương
  4. An trụ tâm thiện: Duy trì và phát huy những gì mà ta làm cho người khác vui, lợi ích cho người khác


Sáng chúng ta phát nguyện 2 điều trước bàn thờ tổ tiên hoặc bàn thờ phật;

1. Con nguyện duy trì và phát huy những gi đã làm lợi ích cho người khác
2. Con quyết không tái phạm những gì hôm qua đã làm cho bạn bè, người thân, những người xung quanh bị tổn thương, đau khổ bằng lời nói, cử chỉ hành động

Con xin cha mẹ, ông bà, tổ tiên, chư phật gia hộ cho con có đủ tâm lực, trí lực, bi lực, dũng lực để con thành toàn tâm nguyện của con, để con xứng đáng là con cháu của các cụ và xứng đáng là đệ tử của Phật.

Như vậy chúng ta sẽ không thể làm bậy được vì ngày nào cũng kiểm điểm, phát nguyện. Chúng ta sẽ giảm thiểu những việc ác và tăng trưởng những điều thiện qua những việc kiểm điểm, phát nguyện đó. Và tinh thần Sám Hối là vậy. Mong rằng mỗi chúng ta biết Sám Hối để được an lạc và những người xung quanh được an lạc bởi mình.

Nam mô A di đà Phật.

Download file
File .docx
File .MP3