Saturday, September 8, 2012

Bài 4: Vô thường


VÔ THƯỜNG
Bài giảng Đại đức Thích Thiện Tài
Giảng sư Ban Hoằng pháp Thiền Viện Sùng Phúc


Hôm nay chúng ta học bài Vô thường. Vô thường là gì? Thường là thường hằng, Vô thường là không thường hằng. Vậy cái gì là không thường hằng? Chúng ta đưa ra 3 cái căn bản nhất: Thân mình Vô thường, hoàn cảnh Vô thường và Tâm Vô thường.

Thứ nhất là Thân Vô thường. Chúng ta thấy rằng cái thân ta hay đổi liên tục nhưng mà chúng ta không thấy. Nhà Phật chia ra 2 loại là nhất kỳ vô thường và sát na vô thường.

Nhất kỳ Vô thường là sự chuyển đôi theo thời gian. Ví dụ con người ta bắt đầu từ cái bào tử, sau đó 9 tháng 10 ngày ra đời. Sau đó từ trẻ sơ sinh đến trẻ mầm non, nhi đồng, thiếu nhi, thiếu niên, thanh niên, trung niên, lão niên, rồi tiếp đến là lên bàn thờ J. Với từng giai đoạn, con người mình thay hình đổi dạng rõ ràng. Lúc ở dạng phôi thai phải dùng kính hiển vi nhưng sau 9 tháng 10 ngày thì đã được vài cân rồi. Sau đó lên đến nhi đồng, thiếu nhi, thanh niên, trung niên, lão niên là những sự thay đổi rõ rệt. Đó là Nhất kỳ Vô thường. Đó là ở từng giai đoạn thời gian, ta thấy được sự chuyển biến từ hình dạng này sang hình dạng khác, từ hình hài sơ sinh cho đến khi ra đời, lớn lên và chuẩn bị về với tổ tiên.

Thứ hai là Sát na vô thường. Khoa học đã chứng minh rằng mỗi phút giây là hàng bao nhiêu tế bào mới trong cơ thể ta bị hủy diệt và bao nhiêu tế bào mới được sinh ra. Đó gọi là sát na Vô thường. Cơ thể ta thay đổi liên tục. Như vậy cái có thể nhìn được gọi là Nhất kỳ Vô thường. Cái khó nhìn, phải nhìn bằng con mắt khoa học gọi là Sát na Vô thường. Các tế bào trong cơ thể ta sinh diệt liên tục để nuôi dưỡng cơ thể. Cái đèn neon cũng vậy, là sự chớp tắt liên tục của các hạt điện tích. Hay khi ta đốt 1 que nhang, để yên ta thấy 1 đốm lửa nhưng ta quay thành hình tròn thật nhanh thì lúc đó nó biến thành 1 vòng lửa. Con mắt chung ta không thấy được sự chuyển động liên tục đó. Nó chỉ thấy được Nhất kỳ Vô thường là vòng tròn lửa hay chiếc đèn neon sáng đều ổn định. Do vậy Đức Phật nói rằng thở ra mà không hít vào là chết, cuộc đời con người chỉ qua hơi thở. Còn chúng ta suy nghĩ là còn lâu mới chết. Hiểu về Vô thường ta nhân được một bài học quý giá. Đó là cuộc đời con người ai cũng phải trải qua các giai đoạn sinh ra, lớn lên, có học vị, có bằng cấp, nghề nghiệp, có gia đình, có con, cháu, lên bàn thờ. Ai rồi cũng phải chết nhưng làm sao ta dám đối diện với nó và ta ra đi một cách tự tại. Cái chết của Socrat đúng theo tinh thần của đạo Phật. Ông bị giáo hội La Mã ghét bỏ, bắt uống thuốc độc tự tử, và ông chết dần chết mòn nhưng tinh thần ông trước lúc chết hoàn toàn minh mẫn, thoải mái, tự tại. Nhiều người khi nghe bị ung thư thì đã chết trước khi chết vì ung thư rồi nhưng Socrat thì tỉnh bơ đón nhận cái chết. Khi Socrat mất, Platon khóc mà nói rằng con khóc không phải khóc cho thầy vì cái chết của thầy quá tuyệt vời, con khóc là khóc cho con vì con mất đi một người thầy, sau này sẽ không có ai chỉ bảo cho con để khi chết đi cái chết của con được như thầy vì rồi con cũng sẽ chết. Một cái chết tự tại là cái chết mà khi ta sống ta cống hiến nhiều hơn cái ta nhận được. Cái chết mà ta không hối hận nhiều, không ăn năn nhiều, cái chết mà sau khi ta chết ta sẽ đến một nơi yên vui hơn, cái chết mà ta thấy đó chỉ là một sự giải thoát từ cái thân đau khổ này sang một cái thân trang nghiêm hơn, tốt đẹp hơn, thì đó là cái chết đẹp. Ai cũng sẽ chết nhưng khi nói đến cái chết ai cũng sợ sệt rồi nói phủi phui cái mồm bà/ông/anh/chị đi. Ai cũng không muốn đối diện với nó trong khi ai cũng sẽ phải trải qua nó. Chính vì vậy khi nó đến, ta cảm thấy chưa sẵn sàng, ta hụt hẫng, ta bơ vơ, ta hoảng sợ. Như vậy ta nên chuẩn bị cho cái chết như nào cho tốt. Như vậy qua bài học về cái thân Vô thường, Đức Phật dạy ta rằng chết chưa phải là hết, chết chỉ là bước qua một đời sống khác mà thôi. Tùy theo những việc mình làm ở hiện tại bấy nhiêu năm tích lũy thúc đẩy chúng ta tương ứng với việc mình làm để ta được đến cảnh giới nào trong tương lai. Newton nói 1 câu rất hay mà rất đúng với tinh thần của Phật giáo về Vô thường: Vạn vật không tự sinh ra cũng không tự mất đi mà chỉ chuyển từ dạng thức này sang dạng thức khác tùy theo điều kiện, nhiệt độ, khí hậu, thổ nhưỡng. Ví dụ nước, tính chất không đổi nhưng dạng của nó có thể thay đổi. Từ 0oC - 100oC, nước ở thể lỏng, dưới 0oC nước ở thể rắn, trên 100oC, nước ở thể khí. Nhưng tính của nó là ướt thì không đổi. Cũng vậy, cái thân 3 tuổi, 30 tuổi hay cụ già 80 tuổi có sự khác nhau về hình hài nhưng có cái không thay đổi đó là cái biết. Đứa 3 tuổi nhìn cái cốc biết và gọi là cái cốc, và cụ già sắp lên bàn thờ cũng biết cái cốc là cái cốc. Như vậy cái biết là không đổi, không trẻ, không già, không sinh không diệt chỉ có cái thân này là thay đổi, có sinh có diệt. Nếu ta sống với cái biết mà không sống với cái thân này thì ta có bao giờ diệt thân đâu, ta chỉ thay đổi chỗ ở tương ứng với nghiệp mà ta tạo tác, cụ thể là tương ứng với sở thích của ta. Ví dụ, 1 thằng nghiện rượu, kêu nó ngồi đây nghe, nó sẽ không ngồi, nó thích ngồi chỗ nào có rượu hơn. Nhưng người không nghiện rượu kêu họ uống rượu họ sẽ không uống. Vậy là hành động tạo nên thói quen, thói quen tạo nên tính cách, tính cách đưa đẩy đến số phận. Vậy số phận do ai quyết định, đó chính là ta quyết định hết. Chính bởi vậy khi biết cái thân này Vô thường, ta đừng vì nó mà mất tình cha con, mẹ con, vợ chồng, anh em… Miếng ăn cũng là vì cái thân, mặc cũng vì cái thân, chọn nơi quạt mát, giành nhau chăn đắp cũng vì cái thân. Mảnh đất bố mẹ chia cho con cái theo tam hòa còn mình muốn chia theo tứ hòa. Chia theo tam hòa nghĩa là đứa nào giàu thì cụ ko cho nữa, cụ chia cho đứa nghèo, chia theo tứ hòa là chia đều không phân biệt ai giàu ai nghèo. Rồi vì chuyện chia chác đó mà ra cãi nhau, anh em mất tình cảm, tất cả cũng chỉ vì cái thân. Nên nếu biết thân là Vô thường, chết không mang theo được thì ta nên nhẹ nhàng cái thân, lấy cái thân này phục vụ nhiều hơn là hưởng thụ. Dù ta có nhiều nhà lầu ta cũng chỉ ở có 1 nhà, không ai có thể cùng lúc ở nhiều nhà được, ta có thể tậu ngàn mét đất, khi chết đi ta chỉ 1m đất. Ta làm thì bạc tỷ nhưng cũng chỉ ăn 2-3 bát cơm 1 bữa. Vậy mà vì những cái ta không thể mang theo đó, ta tạo biết bao nhiêu là nghiệp bất thiện. Tiền không mua được tất cả, tiền không mua được tình cảm, chỉ mua được dịch vụ mà thôi, tiền không mua được tuổi thọ và nhiều thứ khác. Cái cây ngàn năm tuổi, cưa ra chỉ làm được vài cái bàn nhưng để có được cái cây như thế thì phải một ngàn năm sau nữa mới có. Vì vậy nếu ta biết xem nhẹ thân, ta biết thế nào là quan trọng, thế nào không quan trọng thì ta sẽ không vì cái thân này mà đưa ra những hành xử khiến người thân phải buồn khổ, phải đau lòng. Bất cứ hành động, lời nói nào xuất phát ra từ ta khiến những người khác đau lòng, tổn thương thì phúc của ta giảm đi một chút và ngược lại, chưa nói đến đời sau mà ngay trong cuộc đời hiện tại thôi. Trong một bài phú, bài kệ mà Đức Phật dạy rất hay rằng: người thua thì thêm hận, người thắng thì thêm thù, hơn thua hai đều xả thế là yên ổn cả. Người ta mua tivi là việc của người ta đâu liên quan đến mình đâu, vậy mà ghen ghét, tức tối. Rồi vì cái danh mà ta tạo biết bao nghiệp xấu, để rồi đời này, đời sau ta phải trả cái nghiệp đó. Trong khi cái danh, cái tiếng thơm đó chỉ giúp ta vui được trong chốc lát. Còn nếu ta ứng xử tốt với mọi người thì mọi người còn lo lắng cho cái thân này giúp ta nữa. Ví dụ cụ thể là Bác Hồ, chưa có một vị chủ tịch nước nào có một cuộc sống Vô cùng đơn giản như Bác Hồ, vậy mà chúng ta thường xài nhiều hơn cái mình tạo, nhất là thế hệ thanh niên bây giờ đua đòi theo những thứ không thiết thực. Cái điện thoại chỉ dùng để nghe, gọi, nhắn tin thì mắc gì phải mua cái điện thoại mấy chục triệu, đi xe đâu cần phải thật sang trọng như lexus, mec, audi, dùng máy tính nếu chỉ để soạn thảo văn bản, lướt web thì đâu cần phải máy tính thật cao cấp. Vậy mà ta vẫn phải chạy theo những cái đó. Chúng ta xài không hết nhũng công dụng của những vật dụng đó. Nếu biết thân này là Vô thường ta sẽ sống vừa đủ với nó thôi, không xài hoang, xài phí để tổn hại đến cái phúc của ta, mà cái phúc đó ta có được do đời trước bản thân ta cực khổ tạo ra. Cũng như 1 ngôi nhà, ta xây nó hết vài tháng nhưng đập nó đi chỉ vài ngày, nó giống như phúc của ta vậy. Phúc ta tạo đời trước nếu ta không khéo thi chỉ một đời là hết, có khi không đến 1 đời. Có người nói lúc thanh niên thì huy hoàng nhưng lúc trung niên, lão niên thì điêu tàn, đi ăn mày, nghĩa là phúc không đủ cho chúng ta hưởng 1 đời. Nếu ta có phúc, ta không hưởng cũng được nhưng nếu ta thiếu phúc ta không trả không được. Ví dụ mình làm công trình, mình có thể nhân tiền hay công quả hay không nhận cũng được nhưng tiền công trả cho công nhân là cho ta thì không trả không được. Vì vậy ta nên tiết kiệm từng ít một phúc của ta, đừng có hưởng tận mà sinh ra bần cùng.

Khi giúp đỡ mọi người thì phúc ta sẽ tăng, mà khi phúc tăng thì lộc tăng, thọ tăng. Nó như phản ứng dây chuyền, hễ người nào có phúc thì lộc tăng và thọ cũng tăng. Tại sao lại như vậy? Cái phúc có được là do giúp đỡ mọi người, mà khi đã giúp đỡ mọi người rồi thì họ sẽ quý mình và khi mình sa cơ lỡ vận họ sẽ giúp mình, đó gọi là lộc. Mà trong cuộc đời mình, khi thắng duyên cũng tốt đẹp, khi nghịch cảnh cũng được mọi người giúp đỡ thì còn phải lao tâm khổ tứ gì nữa. Lúc đó thân tâm ta an ổn, mà khi thân tâm an ổn thì đâu phải lo nghĩ, buồn phiền, ốm đau. Như vậy đương nhiên sẽ sống lâu.

Thứ hai là hoàn cảnh Vô thường. Đó là phàm cái gì không tự sinh mà do duyên sinh thì đều bị luật Vô thường chi phối. Cái nhà là do các vật liệu cát, đá, xi măng, sắt thép, gạch ngói tạo nên vì thế theo thời gian, căn nhà chắc lắm thì cũng chỉ tồn tại được một hai trăm năm là xuống cấp, hư hỏng. Và cái thân này không tự sinh mà do cha mẹ sinh nên nó vẫn tuân theo quy luật Vô thường, theo sinh, lão, bệnh, tử. Các sự vật hiện tượng Vô tình như cây, cỏ, núi non, sông suối… cũng chịu quy luật thành trụ hoại không chi phối. Biết được như vậy nên khi đủ duyên có nó trong tay, thì ta trân trọng nhưng khi mất nó ta cũng không nuối tiếc vì biết nó là Vô thường. Sắm cái xe là muốn chồng được khỏe, gia đình được hạnh phúc nhưng khi chồng làm mất cái xe thì hai vợ chồng như là muốn ly dị vậy thật là ngu. Vì để chồng khỏe hơn, nhẹ nhàng hơn trong công việc thì sắm cái xe vậy khi cái xe thì gia đình vẫn phải bình thường như là chưa có xe. Thế mà vì cái xe mà vợ chồng cãi nhau, nguy cơ đổ vỡ thì thật không đáng vì có cãi nhau, có đổ vỡ thì cái xe đâu có quay lại được đâu. Gia đình sắm cái ti vi để thêm vui, thằng con lỡ tay làm vỡ thì hành hạ nó, đánh, mắng nó trong khi nếu không có cái ti vi thi gia đình phải như lúc chưa có. Đánh mắng con cái, gia đình lục đục thì cái ti vi đâu có lành lại đâu. Đó là do con người ta không hiểu rằng các pháp đều là Vô thường, có nó ta trân trọng mà mất nó ta không nên nuối tiếc bởi nuối tiếc thì nó đâu có quay lại đâu. Mất cửa nhẽ ra chỉ đau 1 đằng này lại đau thêm nhiều nữa vì mất cả cái tâm thiện, cái tâm điềm tĩnh. Cái tâm giúp gia đình hạnh phúc mà mất thì mới là mất hết tất cả. Mất đi cái kia, cái thứ vật chất, ta có thể kiếm lại được vậy mà vì cái kia, ta sẵn sàng đánh mất đi hạnh phúc gia đình để rồi cuối cùng mất hết tất cả. Đó là do không biết các pháp đều là Vô thường. Vậy liệu có đáng không? Bởi vậy cuộc đời này không có gì là bền chắc, khi còn duyên thì ta trân trọng mà khi hết duyên ta không nên tiếc nuối vì lúc hết duyên, mất đi thì đó không phải do lỗi của ta mà là do luật Vô thường chi phối. Người hiểu điều đó mới là người trí. Cái ti vi không dính dáng đến mình vậy mà khi nó hỏng ruột mình đứt từng khúc thì thật là kỳ cục, khi ruột mình đứt từng khúc, cái ti vi đâu có lành lại đâu. Người trí là biết rằng cái tivi đó đã hỏng, không dùng được nữa thì ta nên kiếm thêm tiền để kiếm cái tivi khác thay vì đổ lỗi, hành hạ người thân của mình, rồi gia đình đổ vỡ. Khi tinh thần thoải mái, gia đình hạnh phúc, ta sẽ nhanh chóng mua lại cái tivi khác. Tuy vậy ta lại không chịu ứng dụng tinh thần đó mà lại hay tiếc của đã mất. Và ai cũng bị rơi vào tình trạng đó, bởi vậy mới gọi là chúng sinh.

Điều thứ 3 là tâm Vô thường. Tâm Vô thường là tâm ta khi vui, khi buồn, khi hờn khi giận. Do đâu mà có tâm Vô thường. Chính là do ta không thấu rõ được cái thân Vô thường và hoàn cảnh Vô thường. Ta muốn hai cái này thường mà nó không chịu thường nên tâm ta mới Vô thường. Ta muốn cái tivi mà chưa có ta cung buồn, khổ. Ta muốn có tiền mà không có tiền cũng khổ, khổ vì kiếm tiền, khi có tiền rồi cũng khổ, khổ vì giữ tiền, khi mất tiền cũng khổ, khổ vì mất tiền. Khi chưa có chồng khổ vì sợ ế, khi có chồng khổ vì sợ mất chồng, khi bị chồng bỏ cũng khổ. KHi chưa có con khổ vì sợ không có con, khi có con cũng khổ vì nuôi dạy con, sau này con lớn, con hư cũng khổ, nó bỏ mình đi cũng khổ. Cuộc đời đâu có gì vui đâu, 3 thời đều khổ. Chưa có cũng khổ, đang có cũng khổ, mất nó cũng khổ, bởi ta không hiểu quy luật đã cái gì không tự sinh thì đều bị luật Vô thường chi phối. Trong khi đó ta quên quy luật đó, ta muốn nó thường, như vậy là trái với quy luật tự nhiên, trái với quy luật Vô thường. Tâm ta Vô thường là do ta không thấu triệt được hoàn cảnh là Vô thường, thân này là Vô thường cho nên

“ Có chi là khổ, có chi vui
Vui trong tham dục, vui rồi khổ
Khổ để tu hành, khổ cái không vui
Nếu biết có vui là có khổ
Thà rằng đừng khổ cũng đừng vui”

Tâm ta Vô thường bởi lẽ ta luôn sống với cái tâm sinh diệt mà không sống với cái tâm thường hằng. Chúng ta có hai cái tâm là tâm sinh diệt và tâm thường hằng. Khi ngón tay ta chỉ cái đèn thì cái đèn là vật bị chỉ, ngón tay là vật năng chỉ. Ngón tay là vật chủ, cái đèn là khách. Cái gì bị chỉ thì nó ở bên ngoài, cái không chỉ được thì là vật chủ. Cái thân này cũng vậy, vẫn chỉ được, vậy nó đâu phải mình vậy mà ta chấp nó là mình. Khi mình trúng số độc đắc, mình rất vui, lúc đó mình biết mình vui. Vậy cái vui là cái bị biết và cái làm mình vui là cái bên ngoài: trúng số. Mà cái bên ngoài là sinh diệt, cái tâm vui theo cái sinh diệt thì nó cũng là sinh diệt. Cái biết của mình thì không vui. Vậy cái tâm trong con người có 2 cái: tâm sinh diệt và tâm thường hằng. Cái tâm thường hằng thì không có vui, buồn, hờn, giận, thương, ghét … Cái tâm đó mới là cái chân tâm của mình thì mình lại không sống với nó mà lại sống với cái vui, buồn, thương, ghét… Khi ta sống với cái biết của mình thì dù bom có nổ bên cạnh thì ta vẫn thấy bình thường, ngay cả khi sắp lên bàn thờ ta cũng vẫn tự tại vì cái thân ta lên bàn thờ chứ cái biết nó lên bàn thờ đâu mà phải run rẩy, sợ hãi… Trong Kinh Kim cang, Phật đã dạy “Bất thân trụ, sát sinh tâm, bất thân trụ, thân hương vị xúc pháp sinh tâm ưng Vô sở trụ nhi sinh kỳ tâm”. Tâm thật của mình thì nó tự tại, không kẹt đâu cả, còn cái tâm sinh diệt của mình mới kẹt chỗ này, chỗ kia. Có một vị thiền sư đang ngồi thiền ở 1 chiếu đá bên ngoài và ngài nhập định luôn. Trong thời gian nhập định thì thân ngừng hoạt động, hơi thở ngừng, như người chết vì các cơ năng không hoạt động nữa. Các đệ tử của ngài tưởng ngài tịch rồi nên hỏa thiêu ngài. Khi ngài xuất định, ngài không thấy thân đâu nữa nên ngài hỏi thân ta đâu. Đêm về, hồn ngài hiện về và hỏi, khiến các đệ tử sợ hãi bỏ đi gần hết. Chỉ còn một số người gan lắm mới ở lại. Có một vị thiền sư hiểu được sự tình, đã bảo các đệ tử đặt một đống lửa ngay tại nơi vị hỏa thiêu vị thiền sư đó và một xô nước cạnh đó. Sau đó cụ nhắc các đệ tử gọi cụ ra khi nào hồn của vị sư kia hiện về. Khi hồn vị thiền sư hiện về, cụ ra và nói ông vào đống lửa xem có thân ông trong đó không, vị thiền sư lao vào và bảo không có, cụ bảo ông lao vào xô nước xem và kết của vẫn như vậy. Cụ bảo ông chui xuống đất, bay lên không xem có không và cũng không có. Lúc đó cụ mới nói cái mà chui vào lửa, vào nước, chui xuống đất, lên không đều tự tại mà ông không sống với nó mà sao lại cứ tiếc nuối cái thân thúi này. Vậy thì thật là Vô minh. Nghe vậy vị thiền sư bừng tỉnh, không chấp cái thân của mình nữa và siêu thoát.

Cái biết nó là cái sinh diệt, nó duyên theo cảnh. Cảnh vui thì nó vui, cảnh buồn thì nó buồn. Còn cái biết thì luôn tự tại cho dù cảnh có vui hay buồn. Vậy mà ta thường không sống với cái nhận diện cái vui buồn đó mà lại sống với cái vui buồn của ngoại cảnh. Như vậy khác gì cưỡi trâu mà đi tìm trâu, là quên mình theo vật. Nếu ta sống với cái biết đó thì không ai là khổ hết. Bởi vậy thánh hơn phàm ở chỗ thánh bất động trước các pháp còn ta thì dao động trước các pháp vì các ngài sống với cái biết mà không sống với cái bị biết. Chính vì ta không nhận thức được điều này nên ta buồn, vui, lo, khổ, sợ suốt cả cuộc đời.

Vô thường cũng có mặt tích cực và tiêu cực. Nếu như không có Vô thường thì thế giới này là thế giới chết. Cái thai nhi nếu không Vô thường thì sẽ không bao giờ lớn, như vậy sẽ không bao giờ có con người. Nhưng chúng ta thì lại thường thích cái tích cực của Vô thường mà ghét cái tiêu cực của Vô thường. Cái tích cực của Vô thường là sinh, trụ. Nó làm con người ta lớn lên, thông minh hơn, giỏi giang hơn. Trong khi cái tiêu cực là lão, bệnh, tử thì ta lại cố gắng lảng tránh, không muốn chấp nhận. Lúc con còn nhỏ thì thúc nó ăn nhanh chóng lớn, khỏe mạnh… nhưng nó đâu có mau hơn, nó cứ theo quy luật của nó như thế. Nếu có mau thì mau về tâm lý chứ thời gian thì đâu có mau. Trong khi đến khi chững lại thì ta mong nó cứ thế mãi, không già thêm đi nữa. Ngồi chơi với người yêu thì thấy sao thời gian trôi nhanh thế, 2 tiếng cứ như 5 phút nhưng thực ra nó là 2 tiếng, còn đợi người yêu 5 phút thì tưởng như 1 giờ J.

Người trí là biết luật Vô thường, hiểu rằng ai cũng sinh già bệnh chết. Vậy ta sinh thế nào, già làm sao, chết như thế nào mới là quan trọng. Khi sinh sống, ta sống sao cho không để người khác chịu đau khổ, già thì già gừng già quế thì quý, già xơ mướp vứt. Và chết thế nào? Bác Hồ của chúng ta từ lúc sinh ra, đi học đã biểu hiện ra những tính cách, lối sống khác người, sau đó nó lớn dần theo tuổi tác làm cho nhân cách của Người cũng lớn dần theo tuổi tác, nên cái sinh của ngài tuyệt vời. Cái già của ngài cũng tuyệt vời. Khi ngài đi đâu, nam, phụ, lão, ấu, một lần gặp được Bác là mừng vui Vô cùng. Con mình thì mình thương, con thiên hạ mình đá đít còn cụ thì đâu có làm thế. Cái già của cụ hình thành từ cái sinh của cụ. Cái gì cũng có một chuỗi thời gian hình thành. Đằng này thời trẻ ta không ra gì, gia giáo không nghiêm, đến khi dạy con nó không nghe, nó chỉ hỏi là hồi đó bố/mẹ có tốt với ông bà không là ta hết nói luôn. Về già ta chỉ sống với con cái bằng cái đức tu hành và cái khẩu giáo, mà cái đó có trọng lượng là do cái thân giáo của ta từ hồi trẻ hết sức chỉn chu. Tức là khi còn trẻ ta sống thế nào để không làm ai phải buồn phiền, đau khổ vì ta thì đến cuối đời ta được nể trọng, có đức độ, con cháu nó nghe. Đó là già gừng, già quế, trên mọi người yêu thương, dưới mọi người đều trân trọng. Sau đó đến cái chết, chết sao cho không ân hận. Suốt bao năm ta sống, ta sống với cái biết, đời người dù 20 năm, 30 năm, 50 năm… không quan trọng. Nó giống như cuốn sách, không quan trọng nó dày hay mỏng, quan trọng là nó hay hay không. Có tác phẩm 20 trang hay để đời, có cuốn dày nghìn trang mà không ai sờ đến. Cũng vậy, đời người dù ngắn ngủi nhưng để lại ấn tượng cho đời, vẫn được mọi người biết ơn, như Võ Thị Sáu chết trẻ nhưng tiếng thơm để đời, trong khi nhiều người bảy tám mươi tuổi, chết đi, không ai hay. Đời người sống bao nhiêu năm không quan trọng mà quan trọng là trong mấy mươi năm đó ta đã làm được gì cho bản thân, cho gia đình và cho xã hội. Sinh thế nào thì tử thế ấy. Trước khi nhắm mắt xuôi tay ta ngẫm lại cuộc đời mình, cách hành xử của ta đối với người thân, bạn bè, xã hội không có gì ăn năn thì cái chết đó là tuyệt vời, đẹp, chủ động và ta biết cái chết đó chỉ là một sự giải thoát, ta sẽ đi đến một tương lai tốt đẹp vì nhân cách của ta hiện tại đã hình thành một con người tương lai thế nào rồi. Đức Phật dạy rằng muốn biết quả báo vị lai hãy nhìn vào cái nhân hiện tại. Vì thế nếu chết không ân hận điều gì mà người khác phải khóc tiếc nuối vì ta thì cái chết đó là đẹp, chủ động. Ta thấy được Vô thường không phải để tránh né Vô thường, sợ Vô thường mà là làm chủ Vô thường, ta sẽ không bị Vô thường chi phối mà tùy thuận theo Vô thường.

Đó là tất cả những gì của bài học Vô thường ngày hôm nay. Hy vọng rằng quý vị ứng dụng được tinh thần Vô thường để cuộc sống của mình được an lạc ở hiện tại, an lạc ở vị lai và làm chủ Vô thường.

Nam mô A di đà Phật.

 Download file
File .docx 
File .MP3