Monday, November 7, 2011

Bài 1: TỔNG QUAN THIỀN

(Thầy Thích Quảng Sự - trụ trì chùa Phổ Đà, Hàm Tân, Bình Thuận)


1. Khái niệm về Thiền:
Tựa của chuyên đề này là khái niệm về Thiền học. Nói đến Thiền, không có nghĩa chỉ có Thiền của Phật giáo.Tất cả các học thuyết, các tôn giáo, các phương pháp, các sự thực tập, và các sự trải nghiệm…nhằm đưa người luyện tập đến trạng thái khỏe mạnh thân thể, an tịnh tâm hồn, có mặt tại Việt Nam và trên thế giới đều có thể được gọi là Thiền.
Thưa các anh chị, trong cuộc sống đầy dẫy sự xao động từ tâm hồn đến vật chất, chúng ta lại có thắng duyên được lục căn đầy đủ; mắt, tai, mũi, lưỡi, thân thể của chúng ta và điều tuyệt vời nhất là ý thức của con người. Tất cả các anh chị đều có đủ. Đó là điều quý. Các anh chị còn được thừa hưởng một gia tài truyền thừa của nhân loại mà khoa học vật lý, hóa học, toán học giúp các anh chị trong cuộc sống. Và các anh chị được hạnh phúc thừa hưởng gia tài không biên giới về kỹ nghệ CNTT, triết học, văn học và đạo học... Nhất là, hạnh phúc thay, khi các anh chị được sống trong một quốc gia độc lập tự do.
Tuy các anh chị đều có nhiều thắng duyên như vậy, nhưng tất cả chúng ta đều phải sống trong thế giới đầy biến động và nhiễu nhương của ô nhiễm môi trường, thiên tai lũ lụt, bệnh tật oan khiên… Các anh chị có biết rằng, chúng ta đang ngồi trên mảnh đất  Việt Nam này, mà cụ thể nhất là tại giảng đường của ngôi chùa Bồ Đề này, thực sự chúng ta không phải ngồi yên, mà sự biến động trong tâm tư, trong hoàn cảnh và trong thân thể của chúng ta từng giây từng phút. Kỳ thật, không phải từng giây từng phút nữa, mà là từng sát na của thời gian, sự biến động đó vẫn có trong mỗi chúng ta. Cho nên nhu cầu hướng đến sự an tĩnh tâm hồn không chỉ là nhu cầu của chúng ta mà là nhu cầu chung cho toàn xã hội. Ở đâu đó, trong cuộc sống của mình, các anh chị đã học, đã nghe, đã cảm nhận, đã từng một lần hay nhiều lần chiêm nghiệm về Thiền, đó là động thái rất đáng trân quý. Khái niệm về Thiền rất nhiều, nhưng suy cho cùng, khái niệm mà người ta nói về Thiền đó, kỳ thật chỉ là cho vui tai, nhằm đưa các anh chị một sự cảm nhận thích thú và hướng đến. Kỳ thật, các định nghĩa đó không diễn tả hết được cốt lõi của Thiền.
Có người định nghĩa từ Thiền qua văn học: cuộc đời này sẽ mới mẻ hơn, tốt đẹp hơn khi chúng ta trải nghiệm Thiền học. Có những định nghĩa mang tính chất triết lý: Thiền học đem lại cho chúng ta sự tĩnh lặng của tâm hồn. Và nhiều hơn nữa: danh từ thiền, tính từ thiền, động từ thiền …Thực sự người ta nói rất nhiều về Thiền. Có nhiều định nghĩa từ Thiền bằng cách phủ định: Thiền là một trạng thái vô nhị. Thiền là một trạng thái mà nơi đó không còn sự lý luận, vắng bặt của ý thức.
Nhưng, thưa các anh chị, bao lâu mà người ta còn có sự tư duy về từ Thiền, bao lâu mà các anh chị còn hướng tâm về việc Thiền, thì nơi đó, Thiền chỉ là con đường dẫn đến con đường Thiền, chứ Thiền không phải là kết quả. Các anh chị lưu ý, thầy xin nhắc lại, bao lâu mà các anh chị còn tư duy về từ Thiền, còn tư duy về cảnh giới Thiền, thì nơi đó các anh chị mới đang đi trên con đường để đến con đường thực nghiệm Thiền, chứ các anh chị chưa ở trong trạng thái con đường đi đến kết quả Thiền.
Sẽ không có định nghĩa Thiền nào rốt ráo hết. Thưa các anh chị, nếu miễn cưỡng để nói về Thiền, định hướng mà thầy nghĩ rằng sẽ giúp ích cho các anh chị trên con đường Thiền tập sau này, chỉ là giúp ích thôi, chứ câu này không phải là chỉ sự rốt ráo mà các anh chị tư duy là đến được.
Định hướng này cũng giống như ngón tay để chỉ mặt trăng. Khi ngón tay chỉ mặt trăng thì chân lý Thiền nằm ở mặt trăng chứ không phải ở ngón tay. Nếu các anh chị cho rằng chân lý Thiền ở ngón tay thì mình chỉ đang ở trạng thái đi trên con đường dẫn đến con đường mà thôi. Các anh chị phải nương vào ngón tay để thấy mặt trăng chân lý Thiền thì mới đúng.
Cách đây khoảng 1500 năm về trước, Bồ Đề Đạt Ma, vị được xem là Sơ Tổ của Thiền tông Trung Hoa, cũng là vị tổ thứ 28 của Thiền tông Ấn Độ, khi có người hỏi về Thiền, ông nói như sau: “Thiền là tâm không khởi. Định là tâm không động. Thiền là tâm không nhiễm trước bên ngoài. Định là tâm không loạn động bên trong.”


Sau đó khoảng 150 năm, Lục Tổ Huệ Năng lại một lần nữa nhấn mạnh về con đường Thiền cho tất cả các hàng môn đệ. Ông nói: “Ngoại bất trước tướng vi thiền, nội bất loạn động vi định” (Ngoài thì không nhiễm trước gọi là thiền, trong tâm không loạn động thì đó là định).
Thời đại ngày nay, người ta đã hiểu Thiền theo nhiều nghĩa và nhiều phương pháp khác theo tùy trường hợp và tùy phương pháp mà các anh chị có lẽ đã thấy và biết. Nhưng thầy muốn nhấn mạnh với các anh chị rằng: Nếu hiểu Thiền theo nghĩa này, thì không phải Thiền chỉ cho Thiền xuất hiện trong Phật giáo.
Trước Phật 3000 năm, người Ấn Độ đã có sự tư duy hướng đến an tịnh tâm khi họ trú trong các hang động. Chính sự tư duy đó, tìm cho mình sự an bình đó, dần dần về sau, họ phát triển thành học thuyết gọi là học thuyết Vệ đà, mà thời kỳ rực rỡ nhất của học thuyết Vệ đà là thời kỳ của Áo Nghĩa Thư (Upanishad). Nếu quí vị muốn tìm hiểu, có thời gian nhiều, thì đọc quyển sách Áo Nghĩa Thư, các vị sẽ hiểu nhiều về nguồn gốc của con người hướng đến sự tĩnh lặng trong quyển sách này.
Nếu là như vậy, Thiền kỳ thật là một trải nghiệm tâm thức hướng đến trạng thái dưỡng tâm tĩnh lặng đã có từ lâu trong lòng của nhân loại để xua đi bao nỗi loạn động của thế giới bên ngoài, để tâm hồn được an lạc.
Thưa các anh chị, với đề tài tổng quan về thiền, ở đây, thầy không phân biệt bất kỳ điều gì về: Thiền này hơn Thiền kia, Thiền kia hơn Thiền nọ. Không có điều đó.
2.Các phương pháp Thiền
Như trên thầy đã nói, về sau nhiều phương pháp Thiền ra đời. Nó phù hợp với phong tục vùng miền, gắn liền với cuộc sống con người trong từng quốc gia, một thời kỳ hay trải dài nhiều thời gian nhất định, mà chúng ta có những dòng Thiền của Yoga. Trước tiên, là dòng Thiền của đạo Jiana. Mục đích của dòng Thiền này mà sau này chia ra thành Yoga trong 8 ngành hoặc 6 ngành, tùy theo nhu cầu thực nghiệm hay sự hứng khởi của con người. Thể theo sự tương thích của con người mà có 8 ngành khác nhau, từ Thiền thực tập sức khỏe,Thiền hợp nhất, Thiền mantra, Atman trở về Brahman, cho tới những dòng Thiền mà đem tới tình thương cho mọi người. Tất cả đều tốt.
Đến thời kỳ Phật giáo , đức Thích Ca Mâu Ni Phật, ngài đã thành tựu đạo quả dưới gốc cây bồ đề qua 49 ngày Thiền định. Thưa quý vị, phương pháp mà đức Phật thành tựu dưới cội bồ đề có khác với tất cả các phương pháp hành Thiền vào thời bấy giờ và trước đó.
Khác như thế nào? Nhiều kinh điển ghi nhận sự giác ngộ của Phật về Thiền định. Bằng sự thật, Ngài tuệ tri rằng vạn pháp là vô thường. Bằng sự thật, Ngài tuệ tri rằng: lục căn (mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và ý) khi tương tác với lục trần (sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp) sinh ra lục thức (nhãn, nhĩ, tỹ, thiệt, thân và ý thức) vốn tự vô thủy vô chung, trạm nhiên không tịch. Lục căn tiếp xúc với lục trần sinh ra lục thức: đường thể tức không. Nghĩa là: không từ đâu sinh ra, không từ đâu mất đi. Một sự vắng bặt tuyệt đối, không sanh không diệt.
Tâm Ngài không nhiễm trước đối với 18 giới (lục căn, lục trần và lục thức). Ngài đã chứng thành đạo quả vô thượng bồ đề, tâm Ngài vắng lặng, khởi ra diệu dụng hà sa, cứu độ chúng sinh bằng hơn 40 năm thuyết pháp dọc theo sông Hằng từ Nam đến Bắc Ấn. Hóa độ chúng sinh mà tâm thường vắng lặng, tâm thường vắng lặng mà luôn hóa độ chúng sinh, thể dụng viên thông.
Đức Phật Thích Ca truyền ý chỉ Thiền cho Ma Ha Ca Diếp, tiếp nối nhau truyền đến đời thứ 28 là Bồ Đề Đạt Ma. Ngài sang Trung Hoa truyền đến 6 đời là Lục Tổ Huệ Năng: Từ Tổ Bồ Đề Đạt Ma truyền xuống cho ngài Huệ Khả, ngài Huệ Khả, tức là Thần Quang truyền xuống ngài Tăng Xán, ngài Tăng Xán truyền xuống cho ngài Đạo Tín, ngài Đạo Tín truyền xuống Đông Sơn Hoàng nhẫn, ngài Hoàng Nhẫn truyền xuống ngài Lục Tổ Huệ Năng.
Từ Lục Tổ Huệ Năng, dòng Thiền ở Trung Quốc chia ra làm 5 nhánh: Lục Tổ Huệ Năng có những vị đệ tử kiệt xuất, có thể kể đến như Nam Nhạc Hoài Nhượng và Thanh Nguyên Hành Tư, hàng tử đệ sau này chia làm 5 nhánh:
-  Nhánh 1: Lâm Tế  (Lâm Tế Nghĩa Huyền)
-  Nhánh 2: Quy Ngưỡng (Quy Sơn Linh Hựu và Ngưỡng Sơn Huệ Tịch)
-  Nhánh 3: Tào Động (Động Sơn Lương Giới và Tào Sơn Bổn Tịch)
-  Nhánh 4: Vân Môn  (Vân Môn Văn Yển)
-  Nhánh 5:  Pháp Nhãn (Pháp Nhãn Văn Ích)
Trong 5 dòng Thiền này, Lâm Tế về sau lại chia thành 2 là: Hoàng Long Huệ Nam và Dương Kỳ Phương Hội, tại Trung Quốc trải dài một thời kỳ từ Tùy Đường Tống Nguyên đến Minh Thanh đều phát triển một cách rực rỡ, nhiếp hóa được nhiều bậc vua chúa và tri thức đương thời. Văn hóa Thiền đã để lại cho nhân loại nói chung và đất nước Trung Quốc nói riêng những tác phẩm cực kỳ quý báu: Cảnh đức truyền đăng lục, Ngũ đăng hội nguyên, Tông cảnh lục…1700 công án Thiền sau này được kết tập lại. Thêm nữa, khoảng 2300 công án thiền để cho muôn đời sau khán lãm, con cháu các dòng truyền thừa thực tập. Năm dòng bảy phái này tới thời đại của chúng ta thì hầu như chỉ còn 2 dòng tồn tại  là Lâm Tế và Tào Động. Không chỉ tại Trung Quốc, Thiền đã lan tỏa sang Nhật Bản,Triều Tiên, Việt Nam…cũng phát triển tốt đẹp.
Dòng thiền Lâm Tế và Tào Động đã ảnh hưởng trực tiếp hoăc gián tiếp đến các dòng Thiền ở Việt nam sau này. Đệ nhất Trúc lâm tổ sư (Hương Vân Đầu Đà- Trần Nhân Tông), đệ nhị Trúc lâm tổ sư (Pháp Loa Tôn Giả) và đệ tam Trúc lâm tổ sư (Huyền Quang Tôn Giả) đều ảnh hưởng nhất định dòng Thiền của Trung Quốc. Cho đến thời đại của chúng ta ngày hôm nay thì Thiền học không chỉ được thực nghiệm trong Thiền viện, chùa chiền…, mà đã thấm nhuần trong cuộc sống nhân sinh.
Các anh chị đã từng nghe nói tới Yoga, phương pháp Thiền đặc trưng cho những người muốn đào luyện sức khỏe và tâm linh. Đây là một phương pháp rất hay.
Nhân điện là một phương pháp Thiền tuyệt vời được khai sáng bởi Dasira Narada (1846 – 1924). Ông là một vị Thiền sư lỗi lạc của Tích Lan. Khi đi dọc qua Hy mã lạp sơn, ông đã chứng đắc đạo quả trên dãy núi này. Từ đó, ông đã pháp triển phương pháp Thiền này hướng đến từ bi với tính cách như đức Phật Dược Sư. Ông đã chuyển năng lượng vũ trụ hòa cùng năng lực sự tu chứng của mình để cứu tất cả mọi người, bằng phương pháp mở các luân xa từ luân xa 1 đến luân xa 7. Sau này đã có những vị truyền thừa rất giỏi, rất nổi tiếng, đã đem lại lợi lạc cho nhiều người về sức khỏe và tâm linh. Ngày nay, người ta còn khoa học hóa thành học thuyết là cảm xạ học.
Tại Trung Quốc xa xưa, có thể là cùng thời đức Phật hay sau đó ít năm, đã xuất hiện đạo Lão và đạo Khổng. Chắc quý vị biết, Lão Tử, tức Lý Nhĩ. Ông là người sáng lập ra Đạo học, là người chủ trương khai nền tảng luyện tinh, khí và thần để hợp nhất với Đạo. Đây cũng là một phương pháp rất tuyệt. Vì luyện tinh để giữ noãn khí (hơi ấm) cho cơ thể. Con người không có hơi ấm là chết, rất nguy hiểm. Khí là để giữ sức khỏe cho cơ thể. Con người không có khí lực là chết, rất nguy hiểm. Thần là giữ cho tâm trí không bị mê mờ. Vừa có sức khỏe, vừa có hơi ấm, vừa có tinh thần. Luyện tinh hóa khí, luyện khí hóa thần. Đó là phương pháp Thiền mà người ta thường gọi là Đạo Vô Vi của Lão Tử. Về sau, cũng dựa vào học thuyết Vô Vi mà nhiều trường phái khí công đã ra đời tạo nên một trào lưu cho hàng hàng lớp lớp người thực hành trưởng dưỡng sức khỏe cho chính mình.
Có những phương pháp Thiền xuất hồn. Nhưng thưa các anh chị, không phải xuất hồn. Thực sự không phải là xuất hồn. Người mà mở được cái huyệt Huyền Quan, tức là huyệt Bách Hội ở trên đầu, thì lúc đó tâm thức của người Thiền định tương ưng với một cảnh giới nào đó theo nghiệp duyên, tùy theo sở thích, hướng tâm tương thích với cảnh giới nơi đó, cho nên người ta gọi là xuất hồn . Kỳ thực không phải là hồn của con người bay ra khỏi con người, rồi bay ra nơi nào đó.  Mà đó là một trạng thái khi mở khiếu huyệt, tâm thức của người Thiền định tương ứng với một cảnh giới nào đó theo sở thích, theo nghiệp duyên..., cảm nhận dường như thật có đi ngao du hay học đạo ở một nơi nào đó, cảm thọ tương thích với cảnh giới nơi đó. Phương pháp Thiền này cũng tốt, nhưng rất nguy hiểm nếu không có người hướng dẫn.
Thưa các anh chị, tất cả các pháp môn, tất cả các phương pháp Thiền học đều đem lại lợi lạc cho chúng ta về sức khỏe và tinh thần. Ở đây, thầy không bình luận bất kỳ điều gì về Thiền nào hơn Thiền nào.Tất cả đều có giá trị đặc trưng của nó.
3.Thiền hiện đại
Ở trên, quý vị đã có khái niệm tổng quan về Thiền, thầy đã giới thiệu cho các anh chị một cách khái quát các phương pháp Thiền. Bây giờ thầy trình bày con đường Thiền Hiện Đại. Đây là pháp môn Thiền Phật giáo, không phải tự thầy sáng tác ra, mà pháp môn này, thầy căn cứ vào lời dạy qua sự chứng ngộ của đức Phật, căn cứ vào nguyên lý đầu tiên mà đức Phật dạy về Thiền, kết hợp với sự diệu dụng của Phật pháp Đại thừa, nhằm tương thích với tất cả chúng ta mọi lúc mọi nơi trong cuộc sống. Đó là Thiền Hiện Đại mà hôm nay thầy sẽ trình bày cho tất cả quý vị.
Thiền Hiện Đại là gì? Tri nhận trên ngôn từ, thì Thiền Hiện Đại không có nghĩa là đối lập với Thiền xa xưa, mà hiện đại ở đây có nghĩa: chính lúc này, bây giờ, cho dù là hôm qua, hôm nay hay mãi mãi về sau, hiện đại chính là lúc chúng ta đang là gì, đang làm gì trong lúc ấy. Trình bày về nó nghĩa là chỉ ra con đường để các anh chị hướng tới. Kết quả thì phải trải qua cả một quá trình hành trì, thực nghiệm, thực tập, dấn thân, nhiệt tâm và coi pháp môn này như mạng sống của mình thì tự thân tâm các anh chị sẽ cảm thấy tiến bộ trong từng bước đi của cuộc đời tu tập.
Như vậy, Thiền Hiện Đại là phương pháp đào luyện tâm hiện tại để cho chúng ta tương thích với mọi hoàn cảnh, mọi thời gian trong cuộc sống, nhằm thể nghiệm như thật hiện tại an lạc và giải thoát ở tương lai.
Như các anh chị đã được biết trên phương diện ý nghĩa của từ Thiền, đó là hướng tâm về một vấn đề, khảo sát về một vấn đề, chú tâm về một vấn đề. Từ đó mà tâm hồn chúng ta sẽ được an tịnh, đưa thân tâm chúng ta đến sự nhẹ nhàng, hòa dịu, tạo cho thân tâm chúng ta thích hợp với cảnh vật bên ngoài trong từng động thái:  đi, đứng, nằm, ngồi, nói chuyện, học tập, làm việc … Tất nhiên không phải  tất cả các động thái đó đều đem lại cho các anh chị trong mỗi tư thế hiện hành hiệu quả 100%. Trong bốn động thái thường (đi đứng nằm ngồi), thì đi, đứng và nói chuyện rất khó để chúng ta trực nhận đương thể tĩnh lặng; trong khi các anh chị ngồi và có thể là nằm thì trạng thái tĩnh lặng dễ tương thích hơn.
Như thầy đã nói, thực tập Thiền Hiện Đại là thực nghiệm ngay trong giây phút hiện tại mà chúng ta đang sống; hiện tại chúng ta đang sống, nghĩa là chúng ta đang làm gì trong lúc này, tại nơi nào. Chúng ta đang làm gì, thì chúng ta an trú vào thời điểm, địa điểm hiện tại đó để khảo sát.
Tri nhận như thật để khảo sát hiện tại, đó là Thiền, trú tâm chuyên nhất vào thời điểm hiện tại, đó là Định. Nhưng mà con đường để các anh chị khảo sát như thật một cách trọn vẹn nơi giây phút hiện tại và nhất tâm chuyên chú hiện tại vào đương cảnh là cả một quá trình từng bước trải nghiệm như thật của thân tâm. Không phải thầy nói, nghe rồi hiểu là được.
Cho nên sau khi nghe thầy nói về Thiền Hiện Đại rồi, buổi thực tập đầu tiên là để các anh chị cảm nhận tợ tướng (bóng dáng của thật tướng) của Thiền Hiện Đại là gì. Thực tập Thiền, thể nghiệm Thiền trong giây phút hiện tại, mà tâm, thân và cảnh chưa tương ưng thì chúng ta chỉ đi trên con đường dẫn đến con đường Thiền Hiện Đại thôi, chưa phải chúng ta đi trong pháp môn này chứ đừng nói đạt được mục đích. Khi nào 3 trạng thái thân tâm cảnh hướng tới tương dung tương nhiếp với nhau trong giây phút hiện tại, thì đó là chúng ta bắt đầu tới trạng thái nhất tâm. Ở trạng thái này, chưa phải là đạt tới hệ quả rốt ráo của Thiền Hiện Đại.
Khi nào tâm và cảnh nhất như trong mọi thời gian và không gian, đương thể không khởi niệm trú vào trạng thái nhất như đó, thì lúc đó chúng ta sống trong hệ quả như thật, trong cảnh giới như thật của Thiền hiện đại.
Ví như hiện nay, các anh chị đang về đây thực tập Thiền Hiện Đại, nghĩa là các anh chị đi từ nhà mình đến chùa Bồ Đề. Khi đã đến chùa Bồ Đề, tất cả dừng trước cổng rồi thì giống như chúng ta đang trụ ở trạng thái nhất tâm. Tiếp đến chúng ta phải rời luôn trạng thái nhất tâm đó, nghĩa là phải đi qua cổng để vào chùa Bồ Đề thì mới vô được cảnh giới như thực của Thiền Hiện Đại.
Để trình bày phương pháp Thiền Hiện Đại, thầy giới thiệu với các anh chị tư thế ngồi trước. Những tư thế khác thầy sẽ đề cập trong những buổi học tiếp theo ( …phương pháp ngồi…. )
Còn lại, thực tập Thiền trong từng động thái sinh hoạt hàng ngày như:  ăn uống, sinh hoạt, đi, đứng, nằm, ngồi…Các thực nghiệm đó sẽ trợ duyên cho các anh chị dễ đi đến trạng thái nhất tâm trong cuộc sống, thầy sẽ trình bày trong các bài học liên quan sau. Hôm nay, trong bài Tổng Quan Thiền, thầy chỉ khái quát về Thiền Hiện Đại và con đường thể nghiệm phương pháp này để các anh chị làm quen; thực hành để cảm nhận “tợ tướng” trong 15 phút về trạng thái này như thế nào.
Trước khi vào buổi thực hành đầu tiên về Thiền Hiện Đại, thầy xin vạch ra một con đường nho nhỏ. Lẽ ra, để các anh chị thực tập, trải nghiệm tự nhiên có thể tốt hơn; nhưng dẫu sao, lời thầy nói ra, biết đâu có thể định hướng cho các anh chị. Mong các anh chị thẩm thấu được ý, không chấp lời thầy. Nhân duyên là ở các anh chị, thành tựu hay không là ở các anh chị. Thầy chỉ là người cùng các anh chị đi trên con đường này.
Thưa các anh chị, cảnh giới cao nhất của Thiền Hiện Đại là lục căn, lục trần, lục thức vốn không. Không này không phải không đối với có, mà không này là không chấp trước, rỗng lặng, thênh thang của tâm hồn. Không từ đâu sinh ra, không từ đâu mất đi. Ở nơi đâu cũng hiển hiện trạng thái đó, cho dù ở trong sắc cũng rỗng lặng, ở trong không cũng rỗng lặng, ở trong tâm cũng rỗng lặng, ở trong tất cả các tình huống đều là rỗng lặng. Một sự vắng bặt của ý thức suy luận và đối đãi nhị nguyên.
Chìa khóa để mở cửa vào trạng thái này, nơi pháp môn này chỉ có một từ. Đó là Biết. Trong tiếng Hán gọi là Tri. Tất cả con đường và trạng thái tâm về sau, khi các anh chị thực tập Thiền Hiện Đại, đều tập trung vào một chữ Biết. Nếu các anh chị xa rời cái Biết , không sao cả, chúng ta chỉ cần quay trở về với cái Biết mà thôi. Nghĩa là chúng ta biết chúng ta đang là gì, đang làm gì. Vì đây là giai đoạn chúng ta thực tập, khi các anh chị đề khởi Biết, nếu bị ngắt quãng cái Biết thì cũng không sao hết; không khiên cưỡng, không quá lo âu, không quá phiền muộn, chỉ khởi lại cái Biết. Chắc chắn các anh chị sẽ được lợi lạc khi duy trì cái Biết này để đi thẳng trên con đường thể nghiệm tâm trong pháp môn Thiền Hiện Đại.
                                            Nam mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.

 

THỰC TẬP THIỀN HIỆN ĐẠI
Bây giờ là thời thực tập trong vòng 15 phút. Trước khi các anh chị thực tập, thầy xin nói thế này: các anh chị đang ngồi đúng không? Chúng ta thực tập về Thiền tọa, thì các anh chị có thể ngồi bất kỳ trạng thái nào mà mình cảm thấy khỏe nhất, vui vẻ nhất, an lạc nhất, ngồi sao cũng được. Nhưng trong một chừng mực mà tâm và thân có thể cho phép mình làm được, thì các anh chị có thể ngồi với các tư thế giúp cho chúng ta dễ vào trạng thái an lạc nội tại.
Tư thế kiết già, kim cang tọa, hay còn gọi hoa sen tọa. Kiết già có 2 tư thế: Chân phải để trên chân trái tréo nhau thì gọi là kiết già cát tường. Ngược lại, trong trường hợp chân trái để trên chân phải, cũng được gọi là kim cang tọa hay hoa sen tọa, nhưng gọi đó là kiết già hàng ma (kiết già hàng phục nghiệp chướng).
Tại sao lại có tên như thế này? Khi chúng ta ngồi chân phải để lên chân trái thì thuận theo nhịp đập thế gian, đó là trạng thái hòa hợp nên gọi kiết già cát tường. Ngược lại, nghĩa là các anh chị đi ngược lại nhịp đập thế gian, nên phải hàng phục chướng duyên của mình nên gọi là kiết già hàng ma.
 Tư thế nào cũng tốt. Để dễ hiễu, thầy giải thích thêm cho anh chị thế này: Tư thế kiết già cát tường là hợp thể, tư thế kiết già hàng ma là hiển dụng. Tư thế kiết già cát tường là đưa tâm hồn chúng ta nhất thời tương ưng tĩnh lặng. Còn tư thế kiết già hàng ma là khởi từ bi mà hàng phục ma tâm.
Đức Quán Âm Bồ Tát luôn ngồi xếp bằng ở tư thế kiết già hàng ma. Trong khi Đức Đại Trí và đức Phổ Hiền đều ngồi tư thế kiết già cát tường. Đây là những hạnh nguyện đặc trưng của chư vị Thánh giả mà sau này khi các anh chị vào chùa chiền sẽ thấy được điều này.
Trong trường hợp ngồi tư thế kiết già không được vì không thích hợp với cơ thể vật lý chúng ta, thì cũng không sao hết, các anh chị có thể ngồi tư thế bán già. Toàn chân phải để trên chân trái (bán già cát tường) hay toàn chân trái để trên chân phải (bán già hàng ma). Đây là 4 động tác ngồi tĩnh tọa trợ duyên rất nhiều cho thân tâm của anh chị dễ tĩnh lặng.
Thầy giới thiệu thêm phương pháp an tọa khác, một tư thế ngồi tĩnh tâm của người Nhật Bản. Họ có thể ngồi trên 2 bàn chân với 2 mu bàn chân duỗi ra áp sát đất. Hai gót chân chạm vào chỗ lõm giữa hai bắp đùi và mông để giữ lại khí lực.
Ở Myanma, và một vài nơi tại Thái Lan…người ta ngồi xếp bằng bình thường, hai chân chéo nhau áp sát đất.
 Tư thế của bàn tay: Nếu chân phải để trên chân trái thì tay phải ta đặt lên tay trái, hai ngón cái giao nhau. Lưng thẳng, không quá ngửa ra ngoài sau, cũng không quá nghiêng về phía trước, nghiêng tới nghiêng lui mà cảm thấy ở trạng thái vừa với cơ thể mình nhất thì các anh chị trụ lại. Mắt nhắm hay mở vừa phải để dễ chịu với cảnh. Thả lỏng hết tâm tư để cơ thể ở trang thái tự nhiên. Các anh chị hãy chọn cho mình một khoảng không để ngồi, không xúc chạm người bên cạnh.
Thở vô các anh chị nhớ phải Thở bằng mũi. Thở ra phải bằng miệng và mũi trong trạng thái rất nhẹ, không gấp gáp, không miễn cưỡng. Không nên thở ra chỉ bằng mũi không, vì dễ áp lực. Không cong lưỡi lên giữa của vòm hàm trên. Miệng để ở trạng thái tự nhiên. Tại sao chúng ta không cong lưỡi lên? Vì chúng ta đang Thiền Hiện Đại, cốt yếu là thân tâm tự nhiên, không phải luyện khí.
Thở vô dài chúng ta biết chúng ta thở vô dài (cảm nhận bao nhiêu là sự trong sáng an lạc trút vào cơ thể chúng ta). Thở ra dài chúng ta biết chúng ta thở ra dài ( cảm nhận bao nhiêu là sự cấu nhiễm lo âu trút ra theo hơi thở). Thở vào thở ra vài lần như vậy, chúng ta trở lại thở nhẹ bình thường. Tri nhận (Biết) như thật trên hơi thở. Đề khởi cái Biết nương theo hơi thở. Không gấp gáp, không bám víu, nhẹ nhàng. Vạn vật bên ngoài xao động, thân tâm xao động đều không đáng ngại. Hãy tri nhận cái biết chân thật, chúng ta đang làm gì… Đây là bài học đầu tiên.


No comments:

Post a Comment