Tuesday, November 8, 2011

Bài 2 THIỀN – ĐIỀU KIỆN CẦN VÀ ĐỦ


(Thầy Thích Quảng Sự - trụ trì chùa Phổ Đà, Hàm Tân, Bình Thuận)
Hôm nay là ngày học thứ 2. Nếu thầy không nói rằng: ngày học này có tính quyết định, thì thực sự nó cực kỳ quan trọng cho tư duy tiếp nhận và thực tập trải nghiệm về Thiền học của chúng ta trong hiện tại và về sau. Chương trình tuần tự các buổi học các anh chị đã có, bây giờ thầy sẽ trình bày Thiền - điều kiện cần và đủ.
Thưa các anh chị, tựa đề mang tên như vậy, nghĩa là trước khi các anh chị thực hành Thiền Hiện Đại, thì các điều kiện mà các anh chị cần phải có là gì? Và hoàn thiện hơn nữa, các điều kiện đủ phải có là gì?
Điều kiện cần và đủ để thực nghiệm Thiền Hiện Đại là những hành trang, tư lương mà các anh chị nhất định phải có trước khi bước vào ngưỡng cửa hành trì. Đây là vấn đề tiên thiên, mà nếu ko có nó, chúng ta miễn bàn về việc thành tựu thực tập Thiền học sau này. Tiên đề mà sai, thì cho dù lập luận logic thế nào và thực hành siêng năng đến đâu..., tất cả đều trở nên sai lệch và vô nghĩa. Thầy nói như vậy nhằm gửi bức thông điệp đến các anh chị về  tầm quan trọng của nó trong buổi học hôm nay; một sự thật được hiểu và nguyện hành như thật từ thân tâm các anh chị.
A.    Điều kiện cần (ngoại cảnh, thân và tâm)
1.      Ngoại cảnh 
Bản thân chúng ta, con người và vạn vật xung quanh tương tác với nhau thuận hoặc nghịch, trực tiếp hoặc gián tiếp tạo thành một môi trường sinh hóa vạn hữu cộng sinh. Thế giới ngoại tại, nói cách khác là vạn vật ảnh hưởng nhất định đến tư duy, hành động và sinh hoạt của mỗi chúng ta. Các anh chị cũng đã thấy và biết: tất cả các thành phố lớn, khu dân cư đông đúc trên thế giới hầu hết đều nằm dọc theo các bờ sông, ven biển, nơi cây cỏ tốt tươi... Đó là sự tương thích giữa cuộc sống số đông con người và cảnh vật mà gạch nối nổi bật giữa cặp phạm trù này là gió và nước (phong thủy)…Ở đây, thầy và các anh chị khảo sát 4 mục chính về ngoại cảnh nhằm chủ động tạo thuận duyên cho thực tập Thiền.
a.      Khí hậu
Thưa các anh chị, dưỡng khí không thể thiếu cho sức khỏe con người. Dưỡng khí tốt hay không tốt, thanh sạch hay ô nhiễm một phần không nhỏ là do con người chúng ta gây ra. Tùy đặc tính cơ địa, cấu trúc cơ thể, thích nghi môi trường hay thói quen sinh hoạt  mà chúng ta có thể sinh sống phù hợp với khí hậu lạnh, ôn hòa hoặc nóng; thích hợp vùng cao hay thấp, thành thị hoặc nông thôn; gần gũi núi rừng hay vùng ven sông biển, vùng gần sa mạc hay khu dân cư tập trung…Các anh chị tự chọn cho mình một sinh khí trong cuộc sống, điều này trợ duyên đắc lực cho sự dưỡng sinh và Thiền tập. Đối với những trường hợp ít cho phép chủ động, thì chúng ta chọn cho mình một giải pháp thích hợp nhất. Nghĩa là, nếu khí hậu quá nóng thì các anh chị phải chọn một nơi có cây cối mát mẻ, ẩm ướt, có nước…; nếu khí hậu quá lạnh chúng ta phải mặc áo ấm, làm sao giữ ấm cổ, nhất là huyệt thiên đột (giữa vành dưới yết hầu). Tốt nhất hãy chọn cho mình nơi tụ khí, không nên tán khí; thoáng khí không nên tù khí, sinh khí không nên tử khí. Đừng để khí thổi trực tiếp vào cơ thể hoặc để cơ thể chống chọi với khí hậu thiên nhiên khắc nghiệt. Ngoại trừ thói quen hiếu kỳ, sức lực chịu đựng được một cách thoải mái hay sở thích, dù vậy, vẫn rất khó cho chúng ta gia công dụng hạnh được an tịnh. Sự tương tác thuận nghịch của không khí với thân thể chúng ta như vậy, nên việc chọn thuận khí thích hợp cho mình là vấn đề thầy mong các anh chị cần quan tâm.
b.      Màu sắc
Màu sắc là tính đặc trưng mỹ thuật của cảnh vật, nó cũng biểu thị tính năng hoạt dụng của sự vật hiện tượng. Trong cuộc sống con người, ảnh hưởng của màu sắc quả là không nhỏ. Đạo học cũng vậy, dù không trực tiếp chủ động ảnh hưởng tâm tư con người, nhưng sắc màu dễ tạo sự cảm nhận và như có lực hấp dẫn chúng ta. Đối với người Thiền tập, sắc màu trực tiếp hoặc gián tiếp đánh lừa tư duy chúng ta. Để điều hòa gam màu nhằm tạo cảm giác nhẹ nhàng cho người thực nghiệm Thiền học, nếu các anh chị hợp màu đỏ, không nên chọn quá đỏ thắm; màu vàng không nên quá vàng tươi, màu xanh không nên quá xanh um, màu đen không quá đen thui, màu trắng không quá trắng toát. Màu sắc thích hợp tạo không khí và khung cảnh dễ chịu cho chúng ta. Vì vậy, đỏ thì đỏ nhu thôi, vàng thì nên vàng nhạt, xanh chọn xanh da trời, hoặc xanh lơ, đen thì nên pha giữa màu trắng với đen điểm xuyết vừa phải cho dễ chịu. Trắng cũng vậy, nên pha lẫn màu vàng, xanh, đỏ để dịu bớt đi. Sắc màu mạnh mẽ quá, dễ tạo cho các anh chị một sự dao động tâm tư, tác động mạnh vào mắt dễ đưa các anh chị chấp trước cảnh vật. Vậy nên chọn màu sắc nhẹ nhàng, nhu nhuyến, thư thái cho mình trong nhà, trong phòng, tại nơi làm việc, nơi ở… là điều mà chúng ta chủ động được trong tình huống có thể chủ động. Trong trường hợp bị động, chúng ta có phương pháp quán chiếu. Thầy sẽ đề cập trong những bài sau. Đó là về màu sắc chúng ta được quyền chọn thích hợp cho mình.
c.      Địa điểm
Địa điểm ở đây chỉ cho nhà, khu vực các anh chị ăn ở, sinh hoạt và làm việc. Địa điểm thích hợp với tâm tư, sở thích và tạo thuận duyên cho Thiền tập là nơi mà sự kết hợp hài hòa giữa không gian, âm thanh, màu sắc, ánh sáng, gió và nước. Tất cả các yếu tố đó dung hòa tạo một khung cảnh nhẹ nhàng, thoải mái, trong lành. Chủ động chọn nơi ít xao động âm thanh hoặc nơi yên tĩnh, anh chị sẽ Thiền tập có chiều sâu; màu sắc và ánh sáng hòa dịu dễ lắng đọng tâm tư. Chủ động chọn hướng gió cho mình, trong căn nhà hoặc trong khu vực sinh hoạt, các anh chị phải nhận định rằng gió thổi về hướng nào. Khi ngồi Thiền, đi Thiền, đứng Thiền… chúng ta không nên để gió áp thẳng vào trước mặt, hai bên tai hoặc áp thẳng từ sau lưng. Nói một cách cụ thể, chọn địa điểm cho mình chúng ta không chọn nơi gió trực tiếp thổi, không chọn nơi gió mạnh, không chọn chỗ quá ẩm thấp bị tù không khí, không nên chọn nơi tán khí quá trống trải, không chọn nơi tử khí quá u khuất sẽ nguy hiểm đến sinh lực chúng ta.
d.      Trạng thái
Ở đây, nó chỉ cho trạng thái cảnh vật động tĩnh tương tác tâm tư. Trạng thái có thể động, có thể tĩnh; có thể vừa động vừa tĩnh, có thể không động không tĩnh…Các anh chị sinh sống thường ngày quen với cảnh động thì chúng ta nên chọn cho mình một trạng thái tĩnh để đối trị điều hòa cơ thể cũng như tâm tư. Các anh chị sinh sống thường ngày quen với cảnh tĩnh thì chúng ta chọn cho mình một trạng thái động vừa phải để điều hòa nhịp sống tinh thần. Các anh chị sinh sống thường ngày quen với cảnh vừa động vừa tĩnh thì chúng ta chọn cho mình một trạng thái động tĩnh nhẹ nhàng để dễ dàng hòa nhịp theo thói quen hàng ngày. Các anh chị sinh sống thường ngày quen với cảnh không động không tĩnh, nghĩa là trạng thái động mà không phải động, tĩnh mà không phải tĩnh thì chúng ta chọn cho mình một trạng thái  cảnh vật nhẹ nhàng êm dịu tương thích với cảnh thường nhật…Trên đây là những trạng thái cảnh mà chúng ta chủ động nếu có thể. Thầy nhắc lại, nếu quá động trong công việc hàng ngày thì nên tĩnh ở cảnh Thiền tập, nếu quá tĩnh trong sinh hoạt hàng ngày thì nên động nhẹ để tâm tư khỏi u uất, hôn trầm. Thói quen và sở thích cũng rất quan trọng. Nếu các anh chị thường nghe nhạc hàng ngày thì chọn nghe một vài bản nhạc nền nhẹ nhàng cho trạng thái Thiền tập, không bắt buộc phải chọn trạng thái khung cảnh hoàn toàn tĩnh. Đây là một nét đặc biệt mang tính phổ cập của Thiền Hiện Đại, nhưng chúng ta phải biết đây là phương pháp đối trị nhất thời để dẫn dắt tâm tư, dần dần tương thích với sự an tịnh, Thiền không chủ trương nghe nhạc. Cũng vậy, nếu thường ngày chúng ta sinh hoạt trong cảnh tĩnh lặng nhiều, mà sở thích chúng ta là tĩnh thì việc chọn cho mình một trạng thái tĩnh cũng tốt, nhưng quá tĩnh thì sinh hôn trầm hoặc dễ u uất. Phần này thầy sẽ trình bày phương pháp quán đối trị trong những bài sau. Cốt yếu của phương pháp Thiền Hiện Đại là đem lại sự an tịnh tỉnh giác cho các anh chị trong từng động thái diễn ra hàng ngày từng giây phút trong hiện tại từ: đi, đứng, nằm, ngồi, ăn uống, nói chuyện, học tập, làm việc v.v…
Nói tóm lại về ngoại cảnh các anh chị phải chọn ngoại cảnh thích hợp cho mình: về khí hậu, màu sắc, ánh sáng, trạng thái động tĩnh, và địa cục (tức là nhà hoặc khu vực mình ở).
2.      Thân
Thân thể sống là sự cấu thành tổng hợp từ vật chất, dung hòa sinh hóa và tương ứng nghiệp thức của mỗi hữu tình chúng sanh. Thân thể thích nghi với cảnh vật, mạnh mẽ về thể chất, ổn định bảo hòa tứ đại, cân bằng sinh vật lý sẽ thuận duyên nhất định cho chúng ta tư duy, lý luận và trải nghiệm dụng hạnh Thiền. Điều đó là chắc chắn. Để trưởng dưỡng thân thể được như vậy, thầy mong rằng các anh chị phải khảo sát và sinh sống tương ưng 4 vấn đề sau đây.
a.      Chế độ ăn uống
Thức ăn thức uống dành riêng cho mỗi chúng ta và cộng đồng người phải được tinh sạch là tốt nhất. Tất nhiên, các anh chị đã có một chế độ ẩm thực cũng như văn hóa ẩm thực cho mình. Chế độ chất và lượng thực phẩm cho thanh niên, trung niên hay lão niên điều độ và phù hợp cơ thể, hấp thụ trao đổi chất tốt sẽ góp phần điều hòa thân tâm khi Thiền tập. Sự thích hợp thực phẩm hàn nhiệt, đạm, béo, năng lượng, vitamin và khoáng tố…; điều độ và phù hợp cơ thể, hấp thụ trao đổi chất tốt sẽ duy trì và tăng trưởng thời lượng định tĩnh tâm hồn khi dụng hành Thiền tập. Thầy nghĩ rằng các anh chị chắc chắn đã có một chọn lựa tốt về chế độ ăn uống cho mình. Ở đây, thầy chỉ nói một vài điều mang tính tâm lý tác động thân bởi ẩm thực. Nếu sức chúng ta dùng thực phẩm được 100%, thì chúng ta chỉ nên dùng 70%. Không nên ăn trước khi tọa Thiền hay ngọa Thiền ít nhất 3 giờ. Không nên ăn một món quá nhiều (chấp trước sở thích). Không nên vì tinh thần quá vui dẫn đến tình thân mời mọc hoặc nài nỉ mà ăn thêm. Mục đích ăn uống là để cơ thể khỏe mạnh tránh sự suy nhược, nhưng ăn uống quá nhiều, sử dụng bất hợp pháp sẽ dẫn đến gánh nặng cho cơ thể và tâm tư. Ăn uống điều độ, chủ động trong việc sử dụng thực phẩm sẽ giúp chúng ta khỏe mạnh và tạo thuận duyên rất nhiều cho cuộc sống nhất là tư duy Thiền định, an lạc thân tâm.
b.      Nhịp sống sinh học
Cân bằng các trạng thái sinh hoạt , tư thế thói quen, sở thích tâm tư tác động nơi thân trong cuộc sống hàng ngày nhằm hướng đến một sự dung hòa thân tâm và ngoại cảnh đó là nhịp sống sinh học tốt. Các anh chị đừng để thân thể chúng ta ở một trạng thái nào đó quá lâu. Một ngày chúng ta ngủ từ 7 – 8 h, đi, đứng khoảng 6 – 7h, chúng ta ngồi để làm việc khoảng 7 - 8h. Trong cuộc sống, nếu chúng ta bị động trong trạng thái ngồi quá nhiều, hãy điều hòa bằng đi, đứng hoặc nằm. Một tư thế thói quen quá lâu, chúng ta tạo một tư thế khác để thư giãn. Một sở thích tâm tư tác động nơi thân sẽ được cân bằng bởi các động thái cộng đồng xung quanh.
Thầy muốn nhấn mạnh: chúng ta điều phối thế nào để việc đi-đứng-nằm-ngồi…, tư tưởng của chúng ta ở một trạng thái thoải mái. Để có được trạng thái thoải mái như vậy, chúng ta phải quan sát kỹ lưỡng thân thể chúng ta cần gì. Nó cần ngủ, thưa các anh chị: đừng nên ngồi, hãy ngủ. Nó cần được ăn, xin thưa: các anh chị phải ăn. Nó cần uống, các anh chị phải uống. Chúng ta không nên miễn cưỡng, có điều là: phải biết tiết độ về chất và lượng. Gấp gáp sẽ dẫn đến nguy hại, phản tác dụng.
c.      Thể dục dưỡng sinh
Cơ thể chúng ta thông thường ít khi thích nghi hoàn toàn với thế giới ngoại tại. Thiên tai, bệnh tật, thay khí chuyển tiết, ô nhiễm môi trường…Tất cả do thiên nhiên gây ra, con người gây ra và nghiệp chướng gây ra. Việc góp phần nuôi dưỡng cho cơ thể chúng ta khỏe mạnh, thể dục dưỡng sinh là điều cần thiết. Tùy theo tuổi tác và sức khỏe hiện tại kết hợp với sở thích, mà các anh chị dành cho mình 1 sự tập luyện sức khỏe cho cơ thể. Tuổi tác cao thì nhẹ nhàng có thể: khởi động tay, chân, đầu, cổ, lưng, đi bộ hoặc chạy jogging; phương pháp dưỡng sinh có thể: tập luyện yoga, dịch cân kinh, thái cực quyền, thể dục nhịp điệu…Đối với tuổi trẻ, mạnh mẽ có thể các môn thể thao thể dục dụng cụ, các môn điền kinh…Điều quan trọng mà các anh chị phải thật hiểu là: thể dục dưỡng sinh đem lại sức khỏe tốt để chúng ta có thể duy trì thời lượng định tĩnh tâm hồn khi trải nghiệm Thiền, không nên quá đam mê và xem nó như mục đích sống dẫn đến dụng tâm sai lạc. Các anh chị tùy thuận vào tuổi tác mà chọn cho mình một cơ chế và phương pháp thích nghi để duy trì sức khỏe.
d.      Ngủ nghỉ thư giãn
Trong các động thái cân bằng sinh vật, sinh hóa và sinh lý cho cơ thể, thì ngủ nghỉ thư giãn góp phần rất lớn đem lại sự bảo hòa cho cơ thể chúng ta. Nhưng nếu ngủ nghỉ hay thư giãn thái quá, hệ quả đem lại là sự trì trệ thân thể và tâm hồn. Thực tế cuộc sống, nếu các anh chị ngủ quá nhiều (hơn ½ ngày) thì chúng ta nên kiểm tra sức khỏe, xem thử đây là bệnh về thân hay tâm. Nếu bệnh do thân thì chúng ta điều chỉnh, có thể do đồng hồ sinh học không hợp lý, phần lớn cũng có thể do chế độ ăn uống không đúng (quá no hoặc quá đói) sinh ra ngủ nghỉ bất thường. Trong trường hợp cần thiết có thể nhờ y khoa can thiệp. Nếu bệnh do tâm (thói quen, lười biếng, nghiệp chướng) thì chúng ta có cách dụng tâm từ từ chuyển thân. Thầy sẽ trình bày phần sau. Nghỉ ngơi và thư giãn cũng vậy, trưa chúng ta nên nghỉ đôi ba chục phút , cơ thể relax được cũng tốt cho thân và tâm; đôi khi quá nhiều công việc hoặc loay hoay vật vã suốt ngày, dành một ít thời lượng để thư giãn thân tâm, giảm stress cũng là điều cần thiết, giúp thân tâm an tịnh trở lại. Ngoài ra, nếu chúng ta cảm thấy cơ thể vẫn khỏe mạnh, không cần nghỉ trưa, không cần thư giãn…thì không sao. Mục đích của ngủ, nghỉ, thư giãn nhằm đem lại cho thân thể chúng ta sự cân bằng sức lực trong sinh hoạt hàng ngày, hướng đến tâm hồn an lạc, dễ dàng hành trì trải nghiệm tâm trong pháp môn Thiền Hiện Đại.
3.      Tâm
a.      Bổn phận
Thưa các anh chị, bổn là chỉ cho bản thân, phận là chỉ cho phận sự. Bổn phận là địa vị phận sự của bản thân. Mình là cha thì mình phải có bổn phận làm cha, mình làm mẹ thì phải có bổn phận làm mẹ, mình làm anh làm chị phải có bổn phận làm anh làm chị, mình làm con cái trong gia đình mình phải có bổn phận làm con cái trong gia đình. Rộng ra, mình là công dân một phường, xã, quận, huyện, tỉnh thành, quốc gia…,mình phải có bổn phận sống trong cộng đồng từng cấp bậc của quốc gia đó. Người biết và sống tròn bổn phận của mình sẽ định vị được tính nhân bản. Đây được xem là dấu ấn đầu tiên đặt nền móng cho Trải nghiệm Thiền học trở về chân tánh, tránh lầm lạc xa rời tự thân, móng tâm xa xôi mà quên đi cái phận vị của mình. Như vậy, nếu mình là trụ cột trong gia đình, mình phải xứng đáng là trụ cột trong gia đình; mình là người nội trợ trong gia đình, mình phải tròn bổn phận là người nội trợ trong gia đình. Bổn phận mình là gì thì mình phải sống, cư xử, thể hiện…với phận vị đó. Không thể có một ai đó quên bổn phận ban đầu của mình mà thành tựu kết quả học Phật hết. Cho nên bổn phận là điều tiên quyết để sau này các anh chị định thân trở về chân thể.
b.      Trách nhiệm
Trách nhiệm đi đôi với bổn phận. Nếu bổn phận thiên về tâm hướng thân thì trách nhiệm thiên về tâm hướng cảnh, nếu bổn phận đề cập nội dung thì trách nhiệm thể hiện hình thức, nếu bổn phận là thiên tính bản chất thì trách nhiệm là khả tính hiện hành; thuần túy Phật pháp mà nói, nếu bổn phận là “thể” thì trách nhiệm là “dụng”. Trong gia đình, mình đã có bổn phận với cương vị của mình thì mình cũng phải có trách nhiệm đối với các mối quan hệ xung quanh bổn phận đó. Nếu mình chỉ có bổn phận mà không có trách nhiệm thì cũng giống như người luôn luôn nói mà không làm, không thể như vậy được. Chúng ta sống với trách nhiệm là chúng ta thể hiện như thật sự quan tâm của mình đối với các mối nhân duyên tương quan từ người thân đến cộng đồng xã hội. Đây là sự xác quyết bước đầu chuẩn mực cho hạnh nguyện chúng ta sau này trên con đường gia công dụng hạnh. Không thể có một ai đó vô trách nhiệm với bổn phận mà thành tựu được hạnh nguyện trải nghiệm Thiền học cả. Mong các anh chị tự nhận định và xác định lại cho mình.
c.      Tư tưởng
Lý tưởng sống được chắt lọc bởi tri thức thường nghiệm, trí tuệ nhất quán cho tư duy và hành động của con người, đó gọi là tư tưởng. Tư tưởng tốt luôn gắn liền với sự hướng thượng về tư duy chủ quan cũng như khách quan nhằm tạo cuộc sống hưng thịnh cho bản thân, gia đình và xã hội. Tư tưởng con người cho sự khởi đầu học Phật luôn hòa nhịp cùng phong tục tập quán, đạo đức xã hội và văn hóa tâm linh, không đi ngược lại những giá trị hạnh phúc lợi lạc của nhân sinh, mà nhằm tiến tới sự an bình thịnh vượng cho mọi người trong xã hội. Người có tư tưởng nhất quán là người làm chủ được chính mình, không bị xao động bởi những tà tưởng. Đây là bước lập trình đầu tiên cho tiến trình phát triển tư duy Thiền học nhất quán. Xác định tư tưởng chính đáng, không để tư tưởng mông lung sẽ dẫn đến việc trải nghiệm tư duy tâm sẽ dễ dàng vào trạng thái an tịnh. Mong rằng bằng trí tuệ và nhận thức sâu sa của các anh chị về cuộc sống và tâm linh. Các anh chị định hình cho mình một con đường đi nhất quán. Đó chính là sự xác quyết tư tưởng cho mình.
d.       Tinh thần
Nuôi dưỡng tinh thần và trau giồi trí tuệ nhằm đem lại một sức mạnh ý chí và nhận thức mẫn tiệp là vấn đề mà mỗi chúng ta, những người được xem là nhân sĩ học Phật phải trang bị cho mình trước tiên. Nếu tư tưởng là hệ quả của sự tư duy được chắt lọc kỹ càng cho lý tưởng sống và làm việc của mình, thì tinh thần là sức mạnh nuôi dưỡng ý tưởng đó. Một tinh thần mạnh mẽ, sáng suốt sẽ đẩy lùi mọi sự trì trệ u tối của tâm hồn. Tinh thần luôn luôn được hun đúc nhờ có tư tưởng chính đáng. Tinh thần sáng suốt, mạnh mẽ sẽ chủ động điều phối và dung hòa được ý thức và vật chất trong cuộc sống. Như vậy, sức mạnh tinh thần tạo nên tâm trí vững chãi, hướng đến sự thành tựu về vật chất cho bản thân chúng ta và đem lại sự yên bình cho tâm hồn chúng ta, định hướng cho chúng ta không lệch lạc khi dấn thân dụng hạnh Thiền học sau này.

*  Các anh chị hãy nhìn lại 3 điều cần được trình bày qua 12 mục. Tuy nó được phân định như vậy, nhưng đó là một thể thống nhất tương quan nhân duyên với nhau. Nếu ngoại cảnh động sẽ tương tác thân động và hệ quả là tâm dễ động; nếu ngoại cảnh tĩnh sẽ tương tác thân tĩnh dẫn đến tâm dễ tĩnh. Tâm, thân và cảnh hòa quyện lẫn nhau theo chiều hướng thuận, trong một chừng mực nào đó khi duyên lành hội tụ, chúng ta sẽ thấy nó là một thể thống nhất như thật. Chúng ta là người học Phật, dụng tâm Thiền, điều trước tiên và quan trọng hơn bao giờ hết là phải quán triệt 3 điều cần này. Hiện tại, các anh chị tự xét thân tâm đối với 3 điều cần ở trên có thể chưa được trọn vẹn, nhưng không sao hết. Các anh chị có thể làm lại từ đầu kể từ hôm nay. Thực hiện từng phần, từ từ có tiến bộ và hiệu quả khả quan, dẫn dếnd thân tâm mình nhẹ nhàng và an lạc là đúng. Hãy lập lại trật tự quán chiếu tâm thân và cảnh, tư duy và hành động đúng cho bản thân, gia đình và xã hội, tạo tiền đề tốt cho sự thực nghiệm Thiền.
Kính thưa các anh chị, ở trên là 3 điều kiện cần mà tất cả chúng ta cần phải có. Tiếp theo đây, thầy xin trình bày 5 điều kiện đủ xuất phát từ tự tâm.
B. Điều kiện đủ (niềm tin, chân thật, từ bi, tinh tấn và lòng vị tha)
1.      Niềm tin
Thưa các anh chị, niềm tin là điều kiện đủ đầu tiên cho bất kỳ ai muốn làm điều gì. Niềm tin của con người là kim chỉ nam hướng đến mục đích trong cuộc sống, từ tư duy chủ quan đến cái nhìn khách quan, từ đối nhân xử thế đến lý tưởng tu tập. Không thể có ai đó nói rằng: tôi không tin bất kỳ điều gì trên thế gian này. Vì rằng nếu không tin gì hết thì chính là họ đang tin cái điều không tin ấy là đúng. Nhưng nếu ai đó có tư tưởng như vậy, thì thực là một trạng thái vô tiền khoáng hậu của tư duy, mà con người thì phải bước từng bước đi thực tại trong cuộc sống của mình. Niềm tin của người học Phật là niềm tin được xác quyết bằng chính sự tư duy, trí tuệ chắt lọc của mình. Người học Phật luôn tùy thuận mọi giá trị sống trong thế gian này, không tách biệt khỏi thế gian mà thực sự sống như thật tại thế gian để nhận ra một vấn đề cùng tận đó là gì. Chân lý của niềm tin thực tại xuất phát từ chính mình. Niềm tin Phật pháp luôn xuất phát từ tính nhân bản, tư duy, trí tuệ quán chiếu. Nếu các anh chị không tin mình có một khả năng thực hànhThiền định, nhằm hướng đến thành tựu thì xin thưa, các anh chị sẽ không bao giờ thành tựu. Cũng như mình làm một công việc gì mà mình không tin nó sẽ thành công thì nó sẽ không bao giờ thành công. Làm cái gì cũng phải có mục đích. Niềm tin ở đây thầy muốn nhấn mạnh, các anh chị phải tự tin vào bản thân mình có một Phật thể hiển hiện trong đó. Mình chính là Phật sẽ thành. Nói cách khác, chân tâm của chúng ta luôn trong lặng, sáng suốt; chân tâm có đầy đủ công đức của từ bi, hỉ xả; chân tâm của chúng ta có đầy đủ sự diệu dụng của thanh tịnh và hòa hợp. Các anh chị phải tin vào bản thân mình như vậy. Một ngày nào đó mình dụng công Thiền tập, mình sẽ trở về với chân tâm của chính mình, nơi đó chính là đức Phật Lô giá na, nơi đó chính là bản thể hiện ra tướng dụng của vũ trụ. Các anh chị phải tin. Trước đây các anh chị chưa tin một cách xác quyết, không sao, ngày hôm nay, các anh chị bắt đầu thực hành Thiền tọa, Thiền hành, Thiền trụ, Thiền ngọa...các anh chị phải có một niềm tin. Mà niềm tin này, thầy không bảo các anh chị tin ở thế giới bên ngoài, mà các anh chị hãy quay trở lại, tin vào nội lực của chính bản thân mình. Điều đó rất quan trọng. Các anh chị có thể đi từ hình thức đến nội dung để trở về bản chất, bằng cách Quy y Tam bảo. Hãy cảm nhận ở chính mình có duyên với Tam bảo cụ thể ở đâu, chúng ta nên chủ động phát tâm quy y. Ở Hà Nội này thầy biết có rất nhiều vị minh sư, quý vị nên thưa thỉnh các vị minh sư đó, tác bạch trước Phật Pháp Tăng: Cho con về quy y Tam bảo, tức là trở về nương tựa với Phật- trong lặng sáng suốt, với Pháp- từ bi bình đẳng và Tăng- thanh tịnh hòa hợp. Được vậy, trên bước đường tu tập, thực nghiệm… các anh chị sẽ cảm thấy tinh thần mạnh mẽ, niềm tin vững chắc. Nếu không, tâm tư sẽ dễ sinh ngạo mạn, đường đi sẽ rất dài, không nơi nương tựa và sự hành trì dễ bị mông lung.
2.      Lòng chân thật
Sự chân thật từ suy nghĩ đến hành động giúp chúng ta gần gũi với chân lý. Sự chân thật của người Thiền tập cũng vậy, sẽ không từng bước thành tựu Thiền thực nghiệm nếu tâm chúng ta dối trá. Chắc chắn là như vậy. Chúng ta sống dối trá mà chúng ta mong rằng Thiền tập để trở về an lạc sáng suốt và giải thoát niết bàn thì không bao giờ có. Lòng chân thật ở đây là chúng ta phải sống, tư duy và hành động chân thật  từ bản thân mình, người thân mình, gia đình mình cho đến cộng đồng xã hội. Trước đây, nếu các anh chị chưa chân thật với mình, với người…, cũng không phải là chấm hết, chúng ta sẽ xoay chuyển tâm tư và hành động. Thực ra thì đây cũng là căn bệnh chung. Vì là chúng sinh thì có bản năng đấu tranh sinh tồn, có sự tham ái, có sân hận, có sự si mê…Đó là do trước đây, chúng ta chưa biết. Bây giờ chúng ta đã có lý tưởng của mình, tin vào sự hành trì của mình có mục đích, có sự hướng tâm trongThiền tập, chúng ta đã cảm nhận được rằng cuộc đời này quá ngắn ngủi, cao lắm chỉ vỏn vẹn có 100 năm mà thôi. Thật là quý hóa cho chúng ta biết tu tập và gặp được phương pháp hành trì hướng đến an lạc nội tâm, thì ngay giờ phút này chúng ta hãy thệ nguyện với lòng mình: cho dù xả bỏ thân mạng cũng giữ tấm lòng chân thật. Bao nhiêu sự dối trá trước đây nguyện xin sám hối bỏ hết. Con xin Tam bảo chứng minh, nguyện sống chân thật từ thân mình,lời nói cho đến ý niệm từ đây cho đến mãi mãi về sau.
3.      Lòng từ bi 
Lòng “từ” là giúp  cho ai đó có niềm an lạc, lòng “bi” là giúp cho ai đó vơi bớt khổ đau. Từ bi là tình thương từ nội tâm hướng ngoại cảnh. Trải rộng tấm lòng thương yêu không chỉ loài người mà tất cả mọi loài. Lòng từ bi xoa dịu nỗi đau thương của chính mình, xoa dịu nỗi đau thương cho mọi người và cho cả vạn vật. Đây là nhân tố dẫn đến sự hòa hợp, tạo sự gần gũi giữa người với người, trong cộng đồng xã hội, trong quốc gia của mình và trên thế giới. Đối với muôn loài, lòng từ bi tạo nhân lành, xóa tan bao nghiệp chướng gây oán cừu nhiều đời giữa mọi loài với nhau. Cho nên, bao lâu mà lòng từ bi còn hiện hữu trên cõi đời này, thì lúc đó con người còn cảm thấy có sự ấm áp, được san sẻ bởi tình thương đồng loại, tình thương chúng sinh vạn loại. Ngược lại, tấm lòng độc ác và tham lam mà hiện hữu trong chúng ta thì làm sao chúng ta có duyên lành để tu tập Thiền? Thiếu hoặc mất lòng từ bi trong chúng ta, thì tham sân si và ác tính dễ có cơ hội hiển thị, lúc đó chúng ta thực tập Thiền sẽ khó vô cùng, và ý niệm tà vạy này đưa chúng ta đến một trạng thái bấn loạn tâm tư hoặc tà tưởng.
Các anh chị biết được điều này, chúng ta nên phát khởi lòng từ bi như thật từ tư duy trí tuệ chính mình.
4.      Tinh tấn
Thưa các anh chị, tinh thần mạnh mẽ, quyết chí hành trì, không nài khó nhọc…là những biểu hiện của sự tinh tấn. Tinh tấn trong thực tập Thiền nghĩa là  mình mạnh mẽ về ý chí và dụng công đắc lực, lòng khao khát Thiền tập, dấn thân nhiệt thành và cố gắng giữ thời khóa nhất định không bỏ. Sự tinh tấn như truyền lửa cho chúng ta trong đời sống tu dưỡng và tạo thói quen cho chúng ta tiếp cận phương pháp tu tập đem đến hệ quả từng bước càng lúc càng rõ ràng, không bị mê mờ, không bị xao lãng. Ngược lại, nếu thực hành biếng trễ , dụng hạnh thờ ơ, gia công riu riu…dễ đưa chúng ta đến trạng thái nửa say nửa tỉnh, lững thững tâm tư, tinh thân không chuyên nhất, lần lượt qua ngày, kết quả chẳng được gì.
Không thể vì bạn bè hay vì một chuyện gì khác vui chơi mà chúng ta bỏ đi thời Thiền tập của mình nếu điều đó không cần thiết; hoặc vì dung túng ở thân tâm, phóng duyên đắm nhiễm ngoại cảnh, chạy theo du hý thế gian mà chúng ta quên đi chí nguyện của mình. Nếu chúng ta xem nhẹ sự miên mật trong Thiền tọa thì không do đâu để cho chúng ta đạt đến trạng thái định tâm và định thân. Cho nên tinh tấn rất quan trọng, nó như sợi dây xuyên suốt. Nếu niềm tin chỉ cho sách lược, thì tinh tấn chỉ cho chiến lược; nếu niềm tin là ý chí hướng đến, thì tinh tấn là ý chí thực hành; nếu niềm tin là quả, thì tinh tấn là nhân; nếu niềm tin chỉ cho mục đích thì tinh tấn chỉ cho con đường…Các anh chị hãy cố gắng nỗ lực.
5.      Lòng vị tha
Lòng vị tha là tinh thần và hành động trong cuộc sống vì mọi người vì mọi loài. Vị tha có nghĩa là hy sinh lợi ích cá nhân vì lợi ích số đông. Ngược lại với vị tha là ích kỷ. Không có tinh thần vị tha thì chúng ta chỉ biết sống cho mình, mọi nóng lạnh của muôn loài xung quanh không cần biết đến, thế thì làm sao chúng ta tu tập phát triển tư duy, khởi tâm sâu rộng được. Thực tập Thiền là chúng ta muốn thân của chúng ta được an lành, tâm chúng ta an tĩnh, hướng tới sự giải thoát thân tâm và cảnh. Muốn giải thoát thân tâm và cảnh thì chúng ta phải có tấm lòng bao dung, không thể đóng khung trong thế giới tâm lý thường tình. Chân lý như thật làm sao có thể hiển thị trong một tâm hồn nhỏ bé, đoanh vây bởi lòng hẹp hòi nhỏ nhen được. Lòng vị tha cũng là bước khởi đầu cho lòng từ bi trọn vẹn. Sự trợ duyên đắc lực cho chúng ta thực tập Thiền là điều kiện thuận duyên xung quanh, mà trong đó, lòng vị tha là nhân lành tạo sự hòa cảm giữa muôn loài, hướng đến một môi trường sống bình an không xung đột, tâm hồn chúng ta sẽ nhẹ nhàng thư thái. Nếu lòng từ bi xuất phát từ nội tâm hướng ra ngoại cảnh, thì lòng vị tha xuất phát từ ngoại cảnh tác động vào nội tâm; lòng từ bi là đỉnh cao cuối cùng thì lòng vị tha là nấc thang đầu tiên.

Thưa các anh chị, tâm điểm của 5 điều kiện đủ đều xuất phát từ lòng chân thật. Niềm tin và tinh tấn làm nhân quả cho nhau hướng đến giải thoát tương lai bắt đầu từ an lạc nội tại, lòng từ bi và vị tha làm nhân quả cho nhau đi từ an lạc nội tại hướng đến giải thoát tương lai. Ở trên, 5 điều kiện đủ thầy đã trình bày cho các anh chị là: Niềm tin, lòng chân thật, lòng từ bi, sức mạnh tinh thần của sự tinh tấn và tấm lòng vị tha. Đó là các nhân tố kiện toàn cho tâm, thân và cảnh của quý vị trên bước đường trải nghiệm thực tập Thiền Hiện Đại không bị sai lệch. Dựa trên nền tảng vững chắc này, các anh chị không phải phân vân gì nữa. Hãy mạnh dạn dấn thân trải nghiệm bằng tư duy hành động trong cuộc sống và nỗ lực gia công dụng hạnh. An lạc hiện tại và lạc trú tương lai đang song hành cùng anh chị.
* Tóm lại, nếu cảnh không thích hợp thì tâm không dễ tương thích; hoặc môi trường ô uế, lung tung thì dẫn đến tương tác tâm, chúng ta sẽ bị loạn tâm.
Nếu thân bị suy nhược, yếu đuối thì sẽ dẫn đến buồn ngủ và thân bị động.
Nếu tâm không trong sáng mà u tối thì ý thức tinh thần của chúng ta rất là mông lung.
Nếu chúng ta không có niềm tin vững chãi, bị mờ mịt thì dẫn đến con đường chúng ta đang đi không mục đích.
Nếu chúng ta không có một tấm lòng chân thật mà là sự dối trá, thì sự Thiền tập sẽ đưa tâm tư chúng ta tà ngụy, vọng tưởng, hư dối.
Nếu chúng ta không có lòng từ bi mà chỉ có tham dục và độc ác thì Thiền tập dẫn chúng ta đến con đường thiên kiến, cực đoan, tà hạnh.
Nếu chúng ta không có một sự tinh tấn mà tâm tư luôn biếng nhác, thì dễ bệnh “ngôn thiền”, tức là chỉ nói về Thiền mà không có thực hành Thiền, đọc được vài ba quyển sách, năm mười quyển sách rồi lầm tưởng sự hiểu biết mình là cứu cánh an lạc, nhưng tư tưởng hành động luôn bị khổ đau, phiền não đoanh vây.
Nếu chúng ta không có lòng vị tha mà chỉ có lòng ích kỷ, cho dù chúng ta thực tập Thiền 30 năm, 50 năm, thì  cái thế giới tâm lý, cái thế giới mà sở đắc của chúng ta vẫn bị đóng khung, hữu hạn. Như vậy hệ quả an lạc hiện và lạc trú tương lai quá ít ỏi.
Nếu phải có một câu gì đó cho lời kết của bài học này, thầy xin nói với các anh chị rằng: thường thường người ta học Thiền, tu Thiền, trải nghiệm Thiền…người ta luôn nghĩ mình đã được gì, đang được gì và sẽ được cái gì; nhưng con đường vào cảnh giới Thiền, trên từng bước đi, chân lý tương ưng với chúng ta luôn luôn là: đã bỏ được gì, đang bỏ được gì và sẽ bỏ được gì.

Nam mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.

No comments:

Post a Comment